Cầu Câu Nhi nằm trên tuyến đường ĐH.56 nối 2 xã Hải Phong và Hải Sơn, huyện Hải Lăng; cũng là điểm kết nối xã Hải Phong ra tuyến Quốc lộ 1. Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Đợt lũ lụt diễn ra ngày 14/10/2023 đã làm trụ cầu, dầm sắt và mặt cầu bị sụt lún gần 1 m, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông.
Cầu Câu Nhi bị sụt lún gần 1 m, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện giao thông – Ảnh: H.A
Chủ tịch UBND xã Hải Phong Bùi Xuân Giang cho biết, đợt lũ lụt diễn ra ngày 14/10/2023 đã làm trụ cầu, dầm sắt và mặt cầu Câu Nhi bị sụt lún gần 1 m, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông. Trước tình hình đó, xã Hải Phong đã nhanh chóng báo cáo UBND huyện Hải Lăng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo xã Hải Phong, Hải Sơn tạm thời lắp biển cảnh báo cấm ô tô, ba gác, máy cày qua cầu Câu Nhi; xe mô tô, xe gắn máy, người đi bộ được phép qua lại nhưng phải giữ khoảng cách an toàn, qua từng chiếc một; không tụ tập đông người trên cầu… Vậy nhưng, nhiều người vẫn chủ quan, không tuân thủ cảnh báo khi qua lại cây cầu này.
Biển cảnh báo cầu nguy hiểm – Ảnh: H.A
Ngày 22/2/2024, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh đã kiểm tra tiến độ thi công công trình cầu Câu Nhi – Hải Tân (công trình cầu mới bên cạnh cầu Câu Nhi) và đã yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh (nhà thầu thi công) tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động tối đa nhân lực, vật tư, máy móc để tăng ca, đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch. Phấn đấu thông tuyến kỹ thuật trước ngày 30/6/2024 để phục vụ việc lưu thông an toàn của người dân.
Nhiều người dân lưu thông qua cầu không giữ khoảng cách an toàn – Ảnh: H.A
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Trị, trong ngày 28/2/2024, nhiều người đi xe mô tô, gắn máy đã bất chấp biển cảnh báo qua lại cây cầu này.
Theo kế hoạch, còn khoảng 4 tháng nữa cầu Câu Nhi – Hải Tân mới thông tuyến kỹ thuật. Chính quyền địa phương cần tăng cường lực lượng chức năng túc trực để tuyên truyền, vận động người lưu thông qua cầu theo cảnh báo để đảm bảo an toàn.
Hải An