Chiều nay 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế ở năm 2024 và trọng tâm công tác năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: L.A
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển KT – XH.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Chủ động thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh. Thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng. Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển.
Công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành KT – XH, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước được thực hiện kịp thời. Cụ thể, đã có có khoảng 70 báo cáo phục vụ họp Chính phủ thường kỳ, chuyên đề, báo cáo đột xuất về các vấn đến mới nổi như: thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, trí tuệ nhân tạo (AI), điện gió ngoài khơi, phát triển hàng không bền vững; báo cáo về tình hình nội trị và các động thái, điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước.
Việc triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao được đẩy mạnh, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược. Đồng thời đã hỗ trợ tích cực các địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Về công tác ngoại giao kinh tế năm 2025, Bộ Ngoại giao tập trung vào 5 trọng tâm gồm: Đẩy mạnh nội dung ngoại giao kinh tế trong các hoạt động đối ngoại năm 2025, đặc biệt là với các đối tác chủ chốt, đối tác quan trọng và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng.
Đẩy mạnh xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về tăng cường triển khai các cam kết thỏa thuận cấp cao đã đạt được; thúc đẩy, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế – thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, là đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới; tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, tập trung vào các điều chỉnh chính sách tài chính – tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn và quan trọng, diễn biến các cuộc xung đột và tác động đối với kinh tế toàn cầu, các vấn đề và xu hướng lớn của kinh tế thế giới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ngoại giao kinh tế được xác định là động lực mới, quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng bứt phá. Công tác ngoại giao kinh tế đã được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho phát triển KT – XH của đất nước.
Để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài trong công tác ngoại giao kinh tế; đặc biệt là cần thúc đẩy ký kết và tập trung tháo gỡ các khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và xuất khẩu.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Tiếp tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư thiết thực, hiệu quả; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng. Nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực mới, các dự án trọng điểm, chiến lược.
Thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chuyên ngành với các nước đối tác về khoa học – công nghệ, bán dẫn, AI; thu hút FDI công nghệ cao, gắn với chuyển giao công nghệ… Cụ thể hóa, khai thác tối đa tiềm năng từ các khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng để tạo động lực dẫn dắt, hình thành các chuỗi cung ứng công nghệ cao tại nước ta.
Đồng thời khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu. Nghiên cứu đa dạng hóa chính sách visa. Có cơ chế ưu đãi đặc thù để nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những xu thế mới của thế giới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp bán dẫn.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ngoai-giao-kinh-te-nbsp-la-dong-luc-moi-quan-trong-cho-tang-truong-but-pha-nbsp-190554.htm