Trong điều kiện đời sống hiện đại cũng như giao thoa văn hóa mạnh mẽ như ngày nay, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ngày càng mai một dần, ông Hồ Văn Thương (Ăm Hiên) người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ba Tầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn cảm thấy trăn trở vì điều đó. Dù cuộc sống thường nhật còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn dành tâm huyết tìm cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình bằng nhiều cách làm thiết thực nhất.
Ông Thương (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn cho người trẻ trong thôn cách sử dụng nhạc cụ truyền thống – Ảnh: M.L
Từ thời niên thiếu, ông Thương có niềm yêu thích rất đặc biệt đối với văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, nhất là các loại nhạc cụ, dân ca, dân vũ. Vào các dịp thôn có sự kiện quan trọng như mừng lúa mới, cúng Giàng, cúng linh hồn người sống, đám cưới, ma chay… ông đều đến xem, theo dõi cách người lớn thực hành các bước lễ tục, sử dụng nhạc cụ, hát dân ca.
Âm thanh các loại nhạc cụ cùng các làn điệu dân ca vang lên trong các buổi lễ này luôn làm ông say mê. Thấy con có tình yêu đặc biệt với dân ca, dân vũ của dân tộc mình, bố chỉ cho Thương những kiến thức cơ bản.
Được bố truyền dạy, ông thường xuyên tập luyện và học hỏi thêm các nghệ nhân lớn tuổi trong vùng. Lớn lên, qua các cuộc giao lưu với thanh niên ở thôn sau mỗi giờ lao động, tham gia lễ hội hay cùng đi sim, Thương lại có dịp học hỏi và rèn luyện âm nhạc truyền thống nhiều hơn. Mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy nhưng ông chưa bao giờ ngưng nghỉ việc nghiên cứu chế tác và rèn luyện kỹ năng sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi khi rảnh rỗi, ông thường đem nhạc cụ truyền thống ra chơi, xem đây như người bạn tâm giao của mình.
Tất cả các loại nhạc cụ sử dụng trong lễ hội của đồng bào Vân Kiều ông đều am hiểu cặn kẽ, loại nào thì đi cùng làn điệu dân ca nào, trong hoàn cảnh cụ thể nào. Ông sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, kể cả nhạc cụ khó chơi nhất như: thanh la, khèn bè, tù và, đàn ta lư, đàn troa, trống.
Cùng với rèn luyện kỹ năng sử dụng, ông học cách chế tác nhạc cụ với mong muốn không để cho các loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình mai một và mất đi. Đến nay, ông đã thuần thục việc chế tác đàn troa và đàn ta lư, tiếp tục học kỹ năng chế tác khèn bè và các loại khèn, sáo khác.
Ngoài chơi nhạc cụ giỏi, Hồ Văn Thương còn rất thành thạo các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt là rất giỏi hát tà oải và xà nớt – hai làn điệu được coi là thông dụng, đặc sắc và khó hát nhất của người Vân Kiều.
Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người hát sẽ là người tự sáng tác và hát, vừa nghĩ ra lời vừa hát, làm sao vừa luyến láy, trầm bổng, hoà quyện được với các loại nhạc cụ đi kèm nhưng phải bộc lộ được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình một cách sâu sắc nhất.
Vì thế, làn điệu này đòi hỏi người hát phải có vốn ngôn từ phong phú, am hiểu sâu về đời sống cũng như phong tục tập quán của dân tộc mình, có kinh nghiệm sống sâu sắc. Đáp ứng được yêu cầu này nên ông Thương luôn là người chủ đạo trong các dịp có giao lưu hát dân ca, nhất là đám cưới, đám khơi, mừng lúa mới…
Dựa trên các làn điệu truyền thống của dân tộc Vân Kiều, ông Thương sáng tác lời cho các bài hát mang hơi hướng hiện đại, được nhiều người khen như các bài hát về chủ đề tình yêu đất nước; niềm tin theo Đảng và Bác Hồ; xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng…
Tại địa phương, ông là một trong số rất ít nghệ nhân có khả năng sáng tác, vì thế luôn được mời tham gia sáng tác cho các chương trình văn hoá văn nghệ, hội thi, hội diễn…Ông chủ động kết nối nhóm những người có cùng đam mê để giao lưu, học hỏi lẫn nhau vào mỗi dịp nông nhàn hay mùa lễ hội, truyền cảm hứng và tích cực hướng dẫn cho các thành viên khác.
“Tôi rất tự hào về văn hóa dân tộc mình, tuy nhiên thực tế hiện nay những nét văn hóa truyền thống đang mất dần, nhất là nhạc cụ và dân ca. Người cao tuổi nắm giữ thì ngày càng ít lại, mà thế hệ trẻ ít ai học để tiếp nối. Tôi có khả năng truyền dạy nhưng hiếm khi có cơ hội, một phần do khó khăn về kinh phí tổ chức lớp học và lớp thanh niên không mấy đam mê. Tôi mong muốn địa phương có phương pháp vận động thế hệ trẻ tham gia tìm hiểu, sử dụng nhạc cụ truyền thống và hát dân ca, hỗ trợ kinh phí mời các nghệ nhân truyền dạy để có thể bảo tồn được văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều”, ông Thương bày tỏ nguyện vọng.
Minh Long
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nghe-nhan-nguoi-van-kieu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-187722.htm