Trà là thức uống có từ rất xa xưa, gắn liền với đời sống người Á Đông. Ở Việt Nam, việc uống trà đã trở nên phổ biến và được xem như nét đẹp trong đời sống văn hóa. Nếu dùng trà chỉ để làm thức uống thông dụng thì ắt sẽ rất giản đơn nhưng để thưởng thức nó là cả một nghệ thuật, được nâng tầm thành trà đạo…
Thú chơi trà, nghệ thuật thưởng trà phải hội đủ các yếu tố: nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh – Ảnh: N.B
Từ hàng nghìn năm trước, trà đã xuất hiện ở nước ta, có giai đoạn, trà hầu như chỉ được dùng phục vụ cho tầng lớp vua chúa, danh gia vọng tộc. Dần về sau, trà ngày càng mộc mạc, gần gũi, thân thuộc với mọi tầng lớp. Việc uống trà đã trở thành một tập tục của người Việt Nam, từ hình thức uống đơn giản và thông dụng cho đến thực hiện nghi thức cúng tế, việc hiếu hỷ, giao tiếp, việc làng, việc nước.
Nhiều tài liệu nghiên cứu cổ xưa cho rằng, việc uống trà đúng cách giúp giải khát cũng như tiêu hóa, tiêu đàm, tránh sự buồn ngủ, kích thích sự hoạt động của thận, tăng cường thị lực, minh mẫn trong tinh thần, xua tan sự uể oải và làm tiêu mỡ.
Bên cạnh đó, khoa học hiện đại cũng đã chứng minh chè xanh có đến 12 nhóm hoạt chất với nhiều chất điển hình như các polyphenol, alcaloid, acid amin, vitamin, flavonid, flour, tanin, saponin… Đồng thời có khả năng ức chế, ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư vì trà có chứa một loại dược tính gọi là EGCG (Epi gallocatechine gallate). Dược tính EGCG này có chất ô xy hóa mạnh gấp 100 lần so với vitamin C và gấp 25 lần so với vitamin E. Trà còn rất có lợi cho hô hấp, tim mạch, giúp sống thọ, khỏe mạnh hơn.
Nghệ thuật thưởng trà thịnh hành từ thời nhà Đường. Thời kỳ đó, cư sĩ Lục Vũ đã nghiên cứu về trà đạo và cho ra đời tác phẩm Trà kinh – là bộ sách lý luận “Trà học” chuyên môn đầu tiên trên thế giới. Lục Vũ được người đời sau tôn là Trà thánh cũng nhờ tác phẩm để đời này. Ở Nhật Bản trà đạo được biết đến như một loại hình nghệ thuật. Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật tên là Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo.
Khi trở về nước, ông mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này, chính Eisai đã sáng tác ra cuốn sách “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký”, nội dung xoay quanh thú uống trà. Người dân Nhật đã khéo léo kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo mang đặc sắc thuần Nhật.
Quán trà “Bối Hương” – nơi kết nối những người yêu trà, đặc biệt là các loại danh trà của Việt Nam trên đất Quảng Trị – Ảnh: N.B
Cả Trà kinh của người Trung Quốc và Trà đạo Nhật Bản đều bàn về cách thức pha, thưởng trà rất công phu, phức tạp. Ở Việt Nam, nghệ thuật thưởng trà không quá cầu kỳ như Trà kinh, Trà đạo mà tinh tế, cởi mở, bình dị hơn nhưng vẫn tạo nên bản sắc, nét đẹp riêng và phản ánh được văn hóa của người Việt. Nghệ thuật thưởng trà của người Việt tựu trung đều hội đủ năm yếu tố chính đó là: Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.
Nhất thủy tức là yếu tố tiên quyết nước pha trà phải ngon, tinh khiết. Hầu hết người thưởng trà đều cho rằng thứ nước ngon nhất để pha trà là nước sương đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau. Người cầu kỳ hơn thì pha nước giếng sạch, trong vắt với nước mưa để tạo nên hỗn hợp gọi là nước âm dương. Đặc biệt tối kỵ dùng nước máy, nước nhiễm phèn, chứa nhiều tạp chất. Sau đó, đun nước bằng ấm đất trên bếp củi khô để nước sôi từ từ chứ không bị “bức ép” sôi như dụng cụ bằng điện. Nước pha trà chỉ được đun sôi khoảng 75 – 80 0 C. Nước chưa đủ sôi thì pha trà sẽ không đậm đà nhưng nếu sôi quá lửa thì trà sẽ bị “cháy”, vị trà nồng, khét.
Yếu tố quan trọng thứ hai (nhị trà) tức là trà phải ngon, phù hợp khẩu vị. Nhiều năm nay, thú chơi trà, thưởng trà không còn chỉ tập trung ở những người cao tuổi mà còn thu hút nhiều người ở lứa tuổi trung niên, thanh niên. Nhiều dòng trà ngon trong nước và ở các nước trên thế giới được người yêu trà lựa chọn như: Trà Tân Cương (Thái Nguyên), trà Shan tuyết (ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu), trà Darjeeling (Ấn Độ), trà Ô long Thiết Quan Âm (Trung Quốc), Trà Early Grey (Vương quốc Anh), trà Sencha (Nhật Bản)… Nhiều người Việt còn cầu kỳ, tinh tế, sáng tạo hơn khi đem trà ủ, ướp trong những cánh hoa sen tạo nên hương vị trà sen hảo hạng để thưởng thức, tiếp đãi bạn trà, khách đến chơi.
Trà Shan tuyết ướp hoa sen trắng luôn đem đến hương vị đặc trưng làm say lòng người thưởng trà – Ảnh: N.B
Tam bôi (chén uống trà) là yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật thưởng trà. Với nhiều người cầu kỳ, tinh tế, họ thường chọn hai loại chén uống trà dùng cho mùa nắng nóng và mùa mưa lạnh. Nếu ngày hè nóng bức thì dùng chén trà có miệng rộng cho trà bốc hơi, nguội nhanh hơn, mùa đông giá sẽ chọn chén trà dày, miệng khum nhỏ lại để giữ nhiệt, tạo sự ấm cúng cho người dùng trà. Chén uống trà to hay nhỏ đều phụ thuộc vào các dòng trà, ví như: dùng trà không lên men thường sử dụng chén nhỏ, trà bán lên men sử dụng chén cỡ trung, dùng hồng trà, trà thảo dược thì chọn chén lớn. Chén để dùng trà thường được chọn là chén gốm sứ nung không tráng men.
Tứ bình (hay gọi là ấm) thì có bình chuyên và bình tống. Nghệ thuật thưởng trà trên thế giới và ở trong nước có nhiều điểm tương đồng khi thiên về lựa chọn ấm pha trà bằng chất liệu gốm sứ, gần gũi với thiên nhiên.
Trong yếu tố tam bôi, tứ bình còn hàm chứa cả cách sử dụng nó để pha trà. Cách pha trà quyết định nhiều đến chất lượng nước trà. Trước khi pha trà, người ta dùng nước sôi để tráng chén lẫn bình trà nhằm làm sạch và “kích thích” nhiệt. Khi cho trà vào ấm, người pha phải chú ý kỹ lượng trà sao cho vừa đủ với nhu cầu thưởng thức tránh bị nhạt hoặc quá đắng, chát. Rót nước sôi vừa ngập mặt trà rồi nhanh tay tráng qua sau đó đổ đi để “rửa trà”, tiếp theo mới rót nước vừa đủ vào bình và đậy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng khoảng 1 – 2 phút mới rót ra thưởng thức.
Ngũ quần anh tức là bạn trà hay người cùng dùng trà. Theo quan điểm của người Việt, bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người tri kỷ. Thưởng trà có thể là độc ẩm (uống một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người). Trong cuộc thưởng trà, người rót trà phải tinh tế, có hiểu biết sâu về thú vui này để tránh làm mất đi nhã hứng thưởng thức trà. Nếu có chén tống (chén lớn) thì rót từ ấm ra chén tống trước rồi mới rót vào các chén quân (chén nhỏ).
Còn nếu không có chén tống thì phải rót lần lượt từng ít một vào từng chén quân, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà sẽ có độ đậm đà tương tự nhau chứ không phải chén quá đậm, chén quá nhạt. Mỗi bước pha trà đều phải có nghệ thuật, tạo nên sự thanh nhã, lịch sự.
Người rót trà phải hạ thấp tay cho dòng nước nhẹ nhàng chảy vào chén và thể hiện sự tôn trọng, quý mến đối với người cùng thưởng trà. Từ đó, làm cho người cùng thưởng thức trà phấn khởi, thích thú và đó cũng chính là nghệ thuật giao tiếp.
Tết đến xuân về, chén trà như mở đầu câu chuyện, gắn kết mọi người lại với nhau, cùng mở lòng, lắng nghe và chia sẻ về những ước muốn, hy vọng trong năm mới…
Nhơn Bốn