Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh. Những năm qua, việc nuôi trồng thủy sản của tỉnh có bước phát triển đáng kể, nhất là nuôi tôm. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản là một nghề sản xuất có khá nhiều rủi ro buộc nông dân phải đầu tư nâng cao trình độ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao. Để giúp nông dân ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn theo công nghệ BioFloc và mang lại hiệu quả tốt.
Ao ương tôm giai đoạn 1 được nông dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đầu tư chắc chắn – Ảnh: T.A.M
Năm 2023, thị trường xuất khẩu thủy sản thiếu ổn định, giá cả đầu ra sản phẩm nuôi trồng thủy sản bấp bênh, có lúc giảm sâu nên người dân không đủ nguồn vốn để tái đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng. Một số dự án nuôi trồng thủy sản không triển khai thực hiện được.
Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh triển khai 5 dự án nuôi tôm công nghệ cao theo Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh, tuy nhiên đến nay chỉ thực hiện được 3 dự án tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong.
Do đó, diện tích, năng suất nuôi trồng thủy sản bị giảm đáng kể. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 3.393,63 ha bằng 94,32% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92.27% so với kế hoạch. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7.441,52 tấn, chỉ bằng 82,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,5% so với kế hoạch.
Trước tình hình đó, chủ trương của ngành thủy sản tỉnh là nuôi diện tích nào chắc ăn diện tích đó, đầu tư thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế rủi ro, tăng năng suất.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 107 ha nuôi công nghệ cao, trong đó, 50 ha của Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam – Chi nhánh 1 tại Quảng Trị với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng và cá nước mặn, nước lợ; 57 ha còn lại do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. 2 dự án nuôi tôm công nghệ cao được thực hiện theo Nghị quyết số 162 của HĐND tỉnh tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh cũng đang phát huy hiệu quả tốt.
Nhằm giúp nông dân ứng dụng tốt công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn về mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cho nông dân. Nội dung tập huấn là hướng dẫn quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học, quy trình Biofloc; một số biện pháp phòng và trị bệnh trên tôm; biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi; nội dung ghi chép, lưu giữ hồ sơ.
Cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến tại hồ nuôi hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: kỹ thuật ương, nuôi 2 giai đoạn, chăm sóc quản lý các yếu tố môi trường, ghi chép nhật ký, lưu trữ hồ sơ. Ao ương diện tích từ 90 – 100 m2 , lót bạt, có hệ thống oxy đảm bảo. Đáy ao ương cao ngang mực nước cao nhất của ao nuôi. Ao nuôi có đầy đủ hệ thống cấp thoát nước. Ao lắng, ao chứa phải đảm bảo cho việc cung cấp đủ nước cho ao nuôi và ao ương.
Cải tạo ao bằng cách tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy ao; rải vôi với liều lượng 50 – 70 kg/1000 m2 ; phơi khô ao 5 – 7 ngày, sau đó cấp nước vào ao qua hệ thống túi lọc. Thực hiện diệt khuẩn bằng clorine 25ppm; gây màu nước bằng cách ngâm ủ cám gạo trộn với thức ăn số 0 và chế phẩm vi sinh kết hợp với dolomite để gây màu.
Về gây biofloc trên ao ương, sử dụng thức ăn số 0; rỉ mật đường; TA-Pondpro theo tỉ lệ phù hợp ngâm ủ 24 giờ, sục khí sau đó tạt xuống ao vào buổi giữa sáng, lặp lại liên tục 3 ngày thì biofloc lên nằm ở mức 1 – 2ml/1lít nước. Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, kiềm, độ mặn… đảm bảo thì tiến hành thả giống.
Giai đoạn ương là 24 ngày, cho ăn lượng thức ăn tăng dần theo độ lớn của tôm. Định kỳ 2 ngày/lần sử dụng 1/2 gói vi sinh TAPondpro tạt để gây biofloc ổn định môi trường. Ngày thứ 5 trở đi mỗi ngày thay 15 – 20% nước trong bể ương.
Sau khi ương thì tiến hành san tôm xuống ao nuôi. Nguồn nước ao nuôi được lấy từ ao lắng sau khi đã xử lý diệt khuẩn. Tiến hành gây màu 3 – 5 ngày trước khi san tôm qua ao nuôi. Lượng thức ăn cho ăn hằng ngày điều chỉnh theo việc kiểm tra lượng thức ăn có còn dư thừa trong vó. Định kỳ 3 – 5 ngày xử lý vi sinh, khoáng tạt ổn định môi trường.
Để phục vụ cho công tác nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đạt hiệu quả tốt, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường luôn được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh quan tâm thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh Thuỷ sản miền Bắc năm 2023 thông báo kết quả 23 đợt quan trắc môi trường phục vụ vùng nuôi tôm tập trung của xã Trung Hải, huyện Gio Linh và Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Vĩnh Thành, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. Chi cục Thủy sản chủ trì thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh với 9 đợt quan trắc.
Trong năm, đã cấp 100 giấy xác nhận đảm bảo môi trường nuôi cho các cơ sở sản xuất, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 438 giấy xác nhận cho các cơ sở nuôi tôm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: Nuôi tôm 2 giai đoạn đạt tỉ lệ sống cao, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, hạn chế thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn đầu. Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn giảm được lượng nước thải ra môi trường nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giảm rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, lợi nhuận mang lại cao. Sản phẩm không có hóa chất, kháng sinh đáp ứng được thị trường xuất khẩu.
Trần Anh Minh