Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, theo kế hoạch, năm 2024 toàn tỉnh sẽ tiếp tục tái canh 130 ha cà phê. Trong đó, tái canh trồng mới 110 ha; thực hiện cải tạo, phục hồi trồng xen ghép cây ăn quả 20 ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu quy trình tái canh cà phê đã ban hành để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn sản xuất. Bổ sung quy trình sản xuất an toàn, VietGap, hữu cơ sinh thái, nông, lâm kết hợp phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; tiến hành thử nghiệm một số mô hình sản xuất giống, mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao (tưới tiết kiệm, châm phân tự động…), sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.
Vườn cà phê tái canh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa – Ảnh: L.A
Về cây giống, đã chứng nhận 1 vườn cây đầu dòng cà phê chè Catimor diện tích 0,5 ha với 1.890 cây (tương đương 800 kg hạt giống/năm) để lấy hạt giống phục vụ tái canh trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cà phê trên địa bàn.
Phối hợp với các tổ chức, dự án triển khai một số đề tài, dự án về thử nghiệm, chọn tạo bộ giống mới, chất lượng cao làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025, năm 2023, toàn tỉnh tái canh được 152,5 ha cà phê.
Trong đó, diện tích tái canh bằng phương pháp đốn đau 20 ha, tái canh bằng phương pháp trồng mới 132,5 ha. Đưa diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2023 đạt trên 270 ha.
Giống cà phê tái canh chủ yếu là giống cà phê chè Catimor và THA1. Địa bàn thực hiện chủ yếu tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Hướng Việt, Ba Tầng và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
Qua kiểm tra thực tế tại các vườn cà phê sau tái canh đều phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất đạt trên 18 tấn quả tươi/ha, cao hơn gấp 2 lần so với các vườn chưa được tái canh.
Lê An