Sáng nay 1/12, tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; đại diện lãnh đạo và thư kí chương trình phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 300 học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị.
Đại biểu và khoảng 300 học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị dự lễ mít tinh – Ảnh: ĐV
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Trong hơn bốn thập kỷ qua, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong phòng, chống HIV/AIDS. Đã chuyển đổi căn bệnh này từ một “án tử hình” thành một căn bệnh mãn tính có thể quản lý, nhờ vào các tiến bộ y học và sự cam kết của toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhờ những chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả đã kiểm soát được tỉ lệ lây nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người sống chung với HIV. Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Quảng Trị thời gian qua cũng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đã kiểm soát được dịch HIV lây truyền trong cộng đồng đạt 0,05%, thấp hơn hơn 6 lần so với mức hiện nhiễm chung của cả nước.
Các chỉ số về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã tiệm cận đạt được mục tiêu 95-95-95 để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế).
Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Bằng việc thực hiện tốt hoạt động dự phòng lây truyền mẹ con nên từ năm 2015 đến nay, tất cả trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều có kết quả âm tính với HIV.
Hằng năm hoạt động truyền thông, tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Người nhiễm HIV được tiếp cận toàn diện các dịch vụ điều trị kháng HIV và được quỹ BHYT và ngân sách địa phương đảm bảo 100% các chi phí chăm sóc và điều trị.
Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 10 huyện, thị xã, thành phố và 100% các xã, phường, thị trấn.
Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS được tổ chức tại Trường THPT thị xã Quảng Trị – Ảnh: ĐV
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn như. Đó là kiến thức đầy đủ về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong các nhóm người nguy cơ cao như: nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy, người mua – bán dâm, người di biến động. Dịch HIV đang có xu hướng trẻ hóa, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến…
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm thực hiện thành công các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030. UBMT, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần tăng cường huy động và đầu tư các nguồn lực từ địa phương, đơn vị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là khi nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và ngân sách trung ương đã cắt giảm.
Rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm. Đoàn Thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS; mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống HIV/AIDS. Kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các gia đình và các tổ chức xã hội tiếp tục cập nhật những thông tin, trang bị đầy đủ các kiến thức để phòng tránh lây nhiễm HIV; tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.
Ngành Y tế tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS.
Đức Việt
Nguồn: https://baoquangtri.vn/mit-tinh-huong-ung-thang-hanh-dong-quoc-gia-phong-chong-hiv-aids-nam-2024-va-ngay-the-gioi-phong-chong-aids-1-12-190099.htm