Địa danh nói riêng và địa danh học nói chung là lĩnh vực thú vị song cũng đầy gai góc, phức tạp. Câu chuyện địa danh học không chỉ là câu chuyện của một ngành mà còn là mối liên quan của các khoa học liên ngành. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin tản mạn chạm đến xung quanh một số địa danh trên đất Quảng Trị.
Do nhiều nguyên nhân mà tên làng có những thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…Vì vậy, nhìn lại danh sách rất ít làng cổ khoảng chừng vài thế kỷ trở lên mà tên gọi không thay đổi, số này hiếm hoi có lẽ chỉ đếm được chưa hết một bàn tay. Chẳng hạn trong 65 làng cổ nhất của Quảng Trị được thành lập từ 1075 đến 1553 thì có làng Cổ Trai (Vĩnh Linh) là nhất thành bất biến, tồn tại cho đến hôm nay; muộn hơn có làng Cang Gián (có người gọi là Cương Gián ) thuộc huyện Gio Linh (đúng ra là Do Linh, bởi “Do” liên hệ tới ý nghĩa là “tự do”…Còn lại hiện tượng làng thay đổi tên là rất phổ biến. Sự thay đổi này phát sinh những nguyên nhân chủ yếu như sau:
– Một là do kỵ húy: đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm thay đổi tên làng xã dưới thời phong kiến vì tên làng không thể trùng với tên vua chúa, phải thay đổi nếu không muốn phạm tội đại nghịch vô đạo, có thể xử trảm. Ví dụ làng Hoa La lúc mới thành lập có tên là Hoa An, sau đổi thành Bích La ở Triệu Phong; làng Nghĩa Đoan sau đổi thành Nghĩa An, nay thuộc thành phố Đông Hà…
– Hai là do phương ngữ, cách đọc làm thay đổi. Ví dụ như ngã ba Dã Độ là tên gốc, dã được ghi trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn nhưng qua cách gọi của người dân địa phương, dấu ngã thành dấu nặng: Dã Độ thành Dạ Độ rồi sau này lại thành biến thành Gia Độ khiến những ai quan tâm đến tên gốc cũng không khỏi tắc mắc, băn khoăn…
– Ba là do dân làng tự nguyện thay đổi trong quá trình phát triển của làng. Chẳng hạn như làng Tây Trì ngày nay thuộc thành phố Đông Hà vốn xưa kia là làng Liên Trì (nghĩa là ao sen); hay làng Đại Độ cũng ở Đông Hà hiện nay, gốc là làng Thượng Độ…
– Bốn là do chính quyền cai trị buộc thay đổi tên làng. Như trường hợp làng Tri Lễ trước đây ở Hải Lăng. Vì dân làng hưởng ứng phong trào Cần Vương nên sau đó chính phủ Nam Triều buộc đổi tên thành Quy Thiện (ngụ ý quy phục điều thiện tức là phải thuận theo chính quyền phong kiến, thực dân); hay tên làng “Cồn Cát” ở Gio Linh xưa kia là do dân đặt, quan trên thấy không văn vẻ, không hay bèn ra lệnh đổi thành tên Cát Sơn tồn tại cho đến ngày nay.
– Năm là do tam sao thất bổn. Như câu chuyện địa danh La Vang. Xưa kia người dân địa phương gọi nơi này là đồi Lá Vằng vì có rất nhiều loại cây này mọc. Đến khi người Pháp tới đây, hỏi tên và viết theo ngôn ngữ của họ là không dấu, ghi nhận trên bản đồ như thế, thành La Vang. Rồi dân mình cũng gọi theo lâu dần gần như mặc định; hay địa danh Khe Vấn ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, trên Quốc lộ 9, khi người Mỹ sang cũng hỏi tương tự và đánh dấu trên bản đồ, cũng không có dấu, sau trở thành Khe Van…
Có những tên làng là nghịch đảo theo kiểu: AB và BA nhưng không hề có quan hệ đáng nói gì với nhau, như làng Tường Vân và làng Vân Tường cũng huyện Triệu Phong, làng An Xuân thuộc huyện Cam Lộ và làng Xuân An thuộc huyện Triệu Phong. Lại có trường hợp hai làng giống nhau chỉ một từ nhưng có quan hệ mật thiết, ví như làng Tân Tường thuộc huyện Cam Lộ chính là dân làng Tường Vân từ Nam biển Cửa Việt lên đây lập làng mới.
Có những địa danh giống nhau lại có quan hệ với nhau, như hai địa danh cũng có tên là “Bến Ngự”, một ở Gio Linh, một ở Vĩnh Linh đều ghi nhận dấu tích vua từng đến và dừng chân (ngự); lại cũng có những địa danh giống nhau nhưng lại chẳng liên quan gì cả, ví như xã Cam Thủy có làng Tân Xuân gồm bà con dân vạn đò lên định cư trên cạn, lại cũng có làng Tân Xuân ở xã Cam Thành nhưng lại là dân làm ruộng, làm nghề bún từ làng An Xuân, xã Thanh An (trước thuộc xã Cam An) đi kinh tế mới lên đây, vẫn giữ nguyên tên làng cũ.
Có một điều qua quá trình tìm hiểu, khảo sát địa danh chúng tôi đã có nhận thấy một thực tế nay nhân tiện nêu lên để bạn đọc cùng phân tích và lý giải. Đó là ở Quảng Trị và kể cả Huế, hầu như rất ít địa danh mang trong mình thành tố ngôn ngữ là từ Bắc dùng để chỉ phương vị. Ví dụ, có làng Đông Hà, làng Tây Trì…ở Đông Hà nhưng địa danh chứa từ Bắc lại không có, hay ở Triệu Phong có làng Bích La với 4 giáp: Bích La Đông, Bích La Nam, Bích La Trung, Bích La Hạ, không có Bích La Bắc; ở Cam Lộ có Nam Hùng, Đông Định…Chỉ có một làng tên Bắc Bình, nhưng làng phát sinh từ làng gốc Cam Lộ, cũng chỉ mới thành lập sau này, khoảng chừng một thế kỷ. Nhìn rộng ra ở Huế có Đông Ba, Tây Lộc, Nam Giao…nhưng cũng không có địa danh nào có chứa từ Bắc. Chúng tôi cho rằng đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, trùng hợp mà do chủ ý con người, nhưng chủ ý đó là gì, vì sao lại thế thì chỉ mới suy đoán chưa có lý giải đủ sức thuyết phục.
Xem vậy địa danh cũng là vấn đề gai góc nhưng có rất nhiều ngóc ngách lý thú…
Phạm Xuân Dũng