Hôm nay 26/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện đề án “Tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: Lê Minh
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Đây là khung pháp lý vững chắc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia trên biển.
Đồng thời là cơ sở để xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Sau khi Luật Cảnh sát biển được ban hành, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1059/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023”.
Quá trình triển khai đề án, với tinh thần trách nhiệm cao, các bộ, ngành, địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, xây dựng các chương trình, đa dạng hình thức, vận dụng các mô hình một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, đối tượng.
Điển hình là các chương trình, mô hình phát huy hiệu quả trong tuyên truyền như “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Biên giới với học đường”, “Tiếng loa biên phòng” …
Sau 5 năm triển khai đề án, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã đi vào cuộc sống, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân được nâng lên; từng bước hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là ngư dân vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác IUU, xuất nhập cảnh trái phép.
Từ đó, công tác đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy trên biển, bảo vệ tài nguyên biển phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QP – AN, phát triển KT – XH. Bên cạnh đó, động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc, đồng thời, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Qua đó, thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách, pháp luật bảo vệ biển, đảo của Việt Nam đến với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, hội nghị đề ra 8 nhóm nhiệm vụ như đẩy mạnh tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân tại 28 địa phương có biển. Đa dạng các hình thức tuyên truyền.
Tăng cường soạn thảo, in ấn và cung cấp đầy đủ tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị chức năng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong tuyên truyền. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện đề án. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác quốc tế nhằm chuyển tải các thông tin, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ biển đảo của Việt Nam đến với các nước trên thế giới.
Lê Minh