Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức tại TP. Đà Nẵng sáng nay, 31/8. Tại điểm cầu Quảng Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: T.T
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Cụ thể, năm 2024, đối với các bộ, ngành, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương phải đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương phải đạt tối thiểu 70%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đối với Quảng Trị, tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh trên cơ sở hợp nhất hệ thống một cửa điện tử tỉnh với cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Hệ thống đã thực hiện chuyển đổi IPv6, đã kết nối hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (gọi tắt là hệ thống EMC) và kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Quảng Trị hiện đang cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và 562 DVCTT một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; cung cấp 777 DVCTT toàn trình và 207 DVCTT một phần trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính nhà nước 3 cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 150.969 hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, trong đó đã giải quyết 140.394 hồ sơ (giải quyết đúng và trước hạn 140.061 hồ sơ, quá hạn 309 hồ sơ); đang giải quyết 5.932 hồ sơ (trong hạn 5.835 hồ sơ, quá hạn 92 hồ sơ).
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về tình hình, kinh nghiệm thực tiễn, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện chuyển đổi số.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm tuân thủ theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ vì 1 mục tiêu chung: tối thiểu chi phí, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung cắt giảm tối đa chi phí, thời gian thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất để họ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kiên quyết cắt giảm TTHC nội bộ và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xây dựng và củng cố “3 trọng tâm” là: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa, hướng đến “4 không”: không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện “5 đẩy mạnh và tăng cường”: Tăng cường phân cấp phân quyền yền đi đôi với phân bố nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số, tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đây lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/lay-chat-luong-phuc-vu-muc-do-su-dung-va-hai-long-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-thuoc-do-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-chuyen-doi-so-188040.htm