Mấy hôm trước ở Sài Gòn, khi ngồi lại với nhau mừng Nguyễn Linh Giang, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh ra mắt sách mới “Bốn mùa thương nhớ” – NXB Thanh Niên, 2024 (là cuốn sách thứ tư của anh)- những nhà báo quê Quảng Trị, Quảng Bình chúng tôi: Bùi Phan Thảo, Nguyễn Linh Giang, Trần Yên, Nguyễn Hồng… nói với nhau những câu chuyện quê nhà, về tuổi thơ và những kỷ niệm thân thương, những sản vật – món ăn đi vào ký ức, một cách hào hứng và xúc động.
Trao truyền yêu thương từ bếp lửa quê nhà
Rõ ràng, “Bốn mùa thương nhớ” đâu phải chỉ riêng nhà báo – nhà văn Nguyễn Linh Giang mà cũng là của những nhà báo và những con dân Quảng Trị đang sống xa quê. Nghề báo giúp Nguyễn Linh Giang đi, đến nhiều nơi trên đất nước mình, nghề báo giúp anh có sự quan sát thấu đáo, ghi chép kỹ lưỡng, để khi những bài tản văn hình thành, có sự soi chiếu nhiều chiều, thấm sâu những tình yêu nuôi dưỡng theo tháng năm và cả sự trầm tích của bề sâu văn hóa quê hương, hàng trăm năm trước, từ thời người Chăm sinh sống đến những dân binh theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào mở cõi từ năm 1558…
Bìa sách “Bốn mùa thương nhớ”
Và cũng như sự ngẫu nhiên, những ngày qua tôi lại được đọc bút ký của Lê Đức Dục, một cây bút phóng sự – bút ký trên tạp chí Cửa Việt – “Những bài học bên bếp lửa của mạ dạy tôi”. Trong những câu chuyện, tôi nhớ nhất anh kể mạ anh ngồi chùi xoong nồi dịp tết Đoan Ngọ, mạ nói với anh: “Mình nấu ăn hàng ngày thì dùng xoong đã rửa sau bữa ăn, nhưng xoong nồi nấu cúng ông bà thì không như nấu cho mình ăn, phải chùi rửa thật sạch trước khi nấu”.
Cốt cách đó của người Quảng Trị thật đáng trân trọng. Cũng như Lê Đức Dục, bên bếp lửa quê nhà, Nguyễn Linh Giang được mẹ trao truyền tình yêu quê hương, trao truyền những bí quyết nấu ăn ngon cùng những bài học làm người. Xa quê, những món ăn thành niềm thương nỗi nhớ, những gia vị quấn quýt hồi ức đi vào trang sách thấm đẫm tình. Với Nguyễn Linh Giang: “Ẩm thực, vì vậy không chỉ là món ăn mà còn là sản vật riêng biệt của một vùng đất, nó có bề dày văn hóa, mang âm vang lịch sử”.
Tôi, quê làng Mai Xá, dĩ nhiên tâm đắc với bài tản văn về con chắt chắt bởi tuổi hoa niên từng chống ghe đi cào chắt chắt nhiều tháng, hết sông ở làng lại qua ngã ba Gia Độ vào những nhánh sông để chiều về chở đầy ghe chắt chắt nhưng bán ra chỉ được số tiền ít ỏi đủ mua gạo ăn cho cả gia đình những năm 1978 -1980; nay chắt chắt lên hàng đặc sản, sản lượng cũng ít dần đi nhưng giá đã cao hơn…
“Bốn mùa thương nhớ” còn làm tôi xúc động khi nhớ về những chiều hôm chạng vạng đi bắt rầy mốc vào những tháng sau Tết, lấy cành cây đập vào những nhành dương liễu hoặc trèo lên để bắt về, nướng ăn cùng lá bầu non.
Nguyễn Linh Giang làm tôi nhớ những cây thuốc lá ba tôi trồng trong vườn nhà, cây lớn lên, hái lá rồi xâu lạt, phơi nắng, phơi sương rồi đưa lên gác bếp. Thuốc nhà tôi ngon nhất làng, làng tôi thuở đó ai lớn lên cũng hút thuốc. Tôi cũng từ quê nhà dầm mình trong mưa gió trên đồng, dưới sông nên 13 tuổi đã biết hút thuốc, song đến năm 50 tuổi thì đã bỏ hẳn được…
Ngọn khoai lang và khí chất Quảng Trị
Đọc “Bốn mùa thương nhớ”, những người xa quê ai cũng lắng lòng, những kỷ niệm xa xưa bỗng trở về. Ai từng nhiều năm tháng sống với quê, biết làm lụng, bơi lội, cày bừa, cấy lúa, trồng khoai…, giờ xa quê đằng đẵng, tất cả trở thành ký ức lung linh qua từng trang sách. Hơn nữa, đó cũng là những tản văn chuyển tải nhiều thông tin, kiến thức cho người đọc, “nói có sách mách có chứng” khi dẫn nguồn cứ liệu cần thiết cho một câu chuyện, một vấn đề.
Tác giả có lối viết sinh động, giỏi đặc tả và gói lại tản văn bằng một lời kết nhẹ nhàng. Với người đi cào chắt chắt, đó là “ngọt ngào cho đi, nhọc nhằn giữ lấy”, vất vả ngược xuôi trên sông để người ăn có bữa cơm ngon, tô canh chắt chắt rau muống ngọt lành trong trưa Nam nắng.
Nhà báo – Nhà văn Nguyễn Linh Giang
Với “bữa tiệc” rầy mốc trên đồng, Nguyễn Linh Giang viết: “Vị béo ngậy, ngọt bùi quyện vào nhau khoan khoái khó tả. Không chỉ mùi vị thơm lừng của rầy nướng mà ta như còn được ăn cả mùi của đất đai, ruộng đồng, làng mạc, hương quê”…
Một điểm cộng nữa cho Nguyễn Linh Giang là anh đưa rất nhiều ca dao, câu đố, phương ngữ và thơ (của nhà thơ Tạ Nghi Lễ nhiều nhất) vào từng bài viết: “Nỏ lo bún ế chợ Sòng/ đi ra buổi chợ mặc lòng mà ăn”; “Ngày mùa tưới đậu trồng khoai/ ngày ba tháng tám mới ngồi mà ăn”; “Tu hú kêu bớ cá chuồn/ cô ả về nguồn có nhớ em không”; “Tám thằng dân vần hòn đá tảng/ hai anh xã vác giáo chạy theo” (con cua)… Từ đó các trang văn sinh động và duyên dáng hơn lên, người đọc cũng dễ nhập tâm với những điều anh viết…
Khá nhiều sản vật, món ăn trong tập sách này cũng có ở các vùng miền trong cả nước, song cũng có nhiều sản vật, món ăn chỉ có ở tỉnh Quảng Trị và một vài địa phương khác mà thôi. Cũng là khoai lang, song khoai lang đất cát Quảng Trị đã ngon lại bùi, cách ngọn khoai vươn lên, cho củ ngọt bùi cũng là một biểu hiện của khí chất người dân xứ này: “Ngọn khoai gục xuống mấy ngày, nhờ ăn gió ăn sương đến ngày thứ ba thì ngóc đầu dậy, sống. Khoai đất cát củ to nhưng vỏ mỏng, ăn rất bùi, không khi nào bị sâu”…
Một số món ăn như bánh ướt, bánh bột lọc thì từ Nghệ Tĩnh trở vào Thừa Thiên Huế đều có, song bánh ướt Phương Lang của Quảng Trị thì danh bất hư truyền. Gà nhiều nơi rất ngon, song gà Cùa (Cam Lộ) từng để tiến vua thì chắc chắn phải là ngon số một; nem chợ Sãi, bánh gai chợ Thuận hay rượu Kim Long là niềm tự hào của người dân Quảng Trị và từng trang viết của Nguyễn Linh Giang lúc nhẩn nha khi sôi nổi làm người đọc cũng theo anh trong mạch cảm xúc tự tình quê hương.
Thâm sâu như đất
Đặc biệt, ngòi bút Nguyễn Linh Giang thành công khi viết về những đặc sản của Quảng Trị, những món ăn Quảng Trị đặc trưng, như cá mát và món cheo của người Vân Kiều, về ớt và đẳng cấp ăn cay của người Quảng Trị. Cây ném (còn gọi là nén, hành tăm), ngoài Quảng Trị và Thừa Thiên Huế còn có ở Quảng Nam và một số tỉnh thành khác, song ba tỉnh, thành nói trên người dân dùng ném như một thứ gia vị hảo hạng.
Những món ăn như cháo vạc giường (cháo bột cá tràu) không thể thiếu củ ném giã ra, um lên, trên nồi cháo là lá ném xắt nhỏ, thơm lừng. Tác giả viết: “Ăn tô cháo bột ta như được thưởng thức một vũ điệu ba lê kinh điển, không có gì tuyệt vời hơn. Đó là khi ném đã lên tiếng, ném đã thể hiện vũ điệu thăng hoa của mình”…
Con nuốt, sản vật hiếm hoi ở vùng quê ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trong món gỏi chỉ ngậm mà nghe, còn mắm thính cá chuồn thì người Quảng Trị nào mà chẳng quen với màu mắm đỏ au, màu thính rắc vàng và đọc tản văn về mắm thính ai mà không dậy lên mùi thơm từ ký ức vọng về.
Quê nghèo một thuở nhưng giàu có về tâm hồn, về chiều sâu văn hóa và vững bền cốt cách, tâm tính tử tế của người Quảng Trị. Tác giả thắc thỏm lo những biến thiên thời cuộc, lúc môi trường bị những tác động xấu thì một số sản vật sẽ mai một và chỉ còn trong ký ức.
Tập tản văn viết nhiều về những món ăn, mà trong kỳ cùng, cũng là những triết lý sống. Hẳn bạn đọc cũng thấm thía với cái tréc đất, nấu những món ngon cho người dân dã và cho vua chúa, trở lại chu trình: “Cái tréc, cái nồi đất, hành trình thuở con gái hây hây má hồng, đến khi già cả, đen đúa, nứt bể, đất đai lại đón về, thổ lại hoàn thổ. Cát bụi lại trở về cát bụi. Ai nói dân gian không thâm sâu như đất?”…
Bùi Phan Thảo
Nguồn: https://baoquangtri.vn/lang-long-voi-bon-mua-thuong-nho-189242.htm