Hưởng ứng Chương trình trồng mới một tỉ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đề án. Mục tiêu mà dự án này hướng đến là bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và phát triển bền vững.
Ra quân hưởng ứng Tết trồng cây và Chương trình trồng một tỉ cây xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông – Ảnh: L.A
Cho quê hương thêm xanh
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của các cấp hội và hội viên nông dân trong việc trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xanh cho hội viên.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: Trong giai đoạn 2020 – 2023, trên cơ sở hơn 2.700 cây giống gồm sao đen, lim xanh, lát hoa, giáng hương, gõ mật, xà cừ, Osaka vàng được hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh đã phân bổ cho các cơ sở tổ chức phát động trồng cây kết hợp thực hiện phong trào “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới”.
Đồng thời, hội yêu cầu các hộ, đơn vị hưởng lợi ký cam kết tham gia chương trình là phải trồng, chăm sóc đảm bảo cây phát triển tốt và không được khai thác. Nhờ vậy, đến nay, tỉ lệ sống của cây tại các điểm trồng đều đạt từ 80% – 90%.
“Tùy theo điều kiện, mỗi cơ sở hội có các cách làm khác nhau như xây dựng “Tuyến đường xanh – sạch – đẹp”, đảm nhận chăm sóc các tuyến đường; hỗ trợ hội viên làm vườn cây sinh kế… Việc trồng cây xanh gắn với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng phát triển tốt đã được hội viên nông dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua đến từng chi hội và từng cán bộ, hội viên, nông dân”, ông Bến thông tin.
Trồng cây xanh được nhiều cán bộ, người dân hưởng ứng – Ảnh: L.A
Tại huyện Cam Lộ, trong những năm qua, phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc đã được địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Trung bình mỗi năm toàn huyện trồng mới từ 1.650 ha rừng tập trung và 15 vạn cây phân tán trở lên. Nâng tổng diện tích rừng trồng toàn huyện hiện có lên trên 18.500 ha, trong đó có hơn 1.460 ha diện tích rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.
Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND huyện Cam Lộ kết nối với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức trồng 3 ha với khoảng 18.000 cây quế tại xã Cam Thủy.
Đồng thời, huyện Cam Lộ và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã tiến hành ký kết chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh – Phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 5 năm 2022 – 2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế và 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng phòng hộ, đảm bảo môi trường, nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu.
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 524/ QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Trồng một tỉ cây xanh phân tán giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”, tháng 9/2021, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Mục tiêu của kế hoạch đề ra là đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng được trên 15 triệu cây xanh, trong đó trồng 10,7 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và 4,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất. Kế hoạch này nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như sự phát triển bền vững của tỉnh. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, hơn 2 năm qua, huyện đã phát động phong trào trồng cây xanh và được Nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Đi đôi với trồng rừng tập trung, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể việc trồng cây phân tán tại trụ sở, nhà văn hóa, các tuyến đường giao thông…
Phong trào không những trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa mà còn mang lại lợi ích to lớn về KT-XH cho địa phương; làm cho cảnh quan ngày càng xanh – sạch – đẹp, tăng cường khả năng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, cải tạo môi trường sống, điều hòa khí hậu… Cũng từ các phong trào này, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, các mô hình, phương thức trồng cây được biểu dương, ghi nhận.
Đưa trồng cây trở thành nhiệm vụ thường xuyên
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước, để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong kế hoạch triển khai đề án, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và thực hiện đề án Trồng một tỉ cây xanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện đề án tạo thành phong trào thi đua để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.
Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, nhất là từ các nguồn lực xã hội hóa, điển hình như Hành trình một tỉ cây xanh trong việc hỗ trợ cây giống để trồng rừng. Phong trào này tạo được sự hưởng ứng tích cực, đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành công việc thường xuyên của các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và mọi người dân. Kết quả, trong giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 200 tỉ đồng để trồng khoảng 15 triệu cây xanh.
Đoàn viên thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT hưởng ứng Chương trình trồng một tỉ cây xanh – Ảnh: L.A
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024 – 2025, toàn tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục trồng khoảng 6,2 triệu cây xanh các loại. Bao gồm, trồng rừng tập trung khoảng 920 ha, tương đương 1,72 triệu cây và trồng gần 4,5 triệu cây phân tán.
Ông Phước cho biết, để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội mở rộng việc huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện đăng ký nhu cầu cây xanh theo kế hoạch hàng năm, trong đó lưu ý chỉ tiêu đăng ký phải kèm theo địa bàn trồng cây cụ thể.
Tổ chức giao nhận, phân bổ, chăm sóc, trồng cây nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, mùa vụ, đủ số lượng và chất lượng. Phân công, giao trách nhiệm cho các cơ quan thuộc quyền quản lý và các địa phương trong công tác quản lý cây xanh trên địa bàn.
Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ về vai trò của cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng.
Lê An