Đứng chân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, những năm qua Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Những phần việc nghĩa tình đó không chỉ mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, ổn định cho Nhân dân mà còn củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trên tuyến biên giới của Tổ quốc.
Cán bộ Đội sản xuất số 9, Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 hướng dẫn người dân trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi -Ảnh: H.G
Xuất phát từ thực tế tại đơn vị đóng chân có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều vẫn còn tập quán chăn thả rong gia súc, chưa chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, Đội sản xuất số 9, Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cỏ để chăn nuôi hiệu quả hơn. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cán bộ Đội sản xuất số 9, hàng chục hộ dân tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, đã biết trồng cỏ, nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình bà Hồ Thị Lan là một trong những hộ dân được Đội sản xuất số 9 hỗ trợ để phát triển 2 ha đồng cỏ chăn nuôi bò, dê. Bà Lan cho biết, từ khi chăn nuôi bò nhốt, gia đình bà thường xuyên được cán bộ “bắt tay chỉ việc”, tận tình hướng dẫn cách trồng cỏ sinh trưởng phát triển tốt, cách phòng trị bệnh, phòng chống rét cho gia súc hiệu quả cũng như chăm sóc đàn bò, dê nhanh lớn, đạt chất lượng.
“Trước đây gia đình tôi thường thả rong bò trên rừng, trên rẫy theo kiểu “nhờ trời”, đến khi bán mới đi tìm đưa về. Nhưng từ khi được bộ đội hướng dẫn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, gia đình tôi đã làm chuồng trại nuôi nhốt ổn định và đến nay mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, bà Lan phấn khởi nói.
Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 trao dê giống cho các hộ gia đình nghèo ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa để tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo- Ảnh: ĐV
Để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, thời gian qua các đội sản xuất thuộc Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã phân công cán bộ hướng dẫn người dân nuôi bò lai Sind, bò 3B… Đồng thời đơn vị hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con dân bản, góp phần đổi mới phương thức phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
Nhờ đó, người dân nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách sản xuất. Với phương châm “bám dân, bám bản, làm cho dân tin, nói cho dân hiểu, trên tinh thần đoàn kết quân dân cá – nước”, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã xây dựng được 12 mô hình phát triển kinh tế và tổ chức làm trước, trình diễn, đối chứng để bà con thấy được hiệu quả từ đó học hỏi, làm theo.
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ đó mà đến nay đã có nhiều hộ gia đình đồng bào nơi địa bàn đoàn đóng quân đã vươn lên thoát nghèo, từng bước khấm khá, có của ăn của để, mua sắm các trang thiết bị phục vụ đời sống. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã chú trọng tới việc chăm lo cho con cái học tập tốt hơn.
Tiêu biểu trong công tác xóa nghèo, vươn lên khá giả nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 trong những năm qua là các hộ gia đình: Hồ Văn Mừng, ở thôn Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Việt; Hồ Văn Diệp, ở thôn Miệt, xã Hướng Linh với bình quân mỗi hộ gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Anh Hồ Văn Diệp vui vẻ cho biết: “Trước đây cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào đi rừng, làm nương rẫy nên đời sống kinh tế khó khăn, bấp bênh. Nhưng mấy năm trước, nhờ được sự hỗ trợ bò giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ từ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, gia đình tôi đã vươn lên, có thu nhập khá. Hiện đàn bò gia đình tôi có hơn 10 con. Thu nhập từ bán bò và một số sản phẩm cây trồng, gia đình tôi đã xây lại ngôi nhà, mua sắm vật dụng trong gia đình và đầu tư cho con cái học hành đàng hoàng. Gia đình tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của bộ đội 337”.
Cán bộ Đội sản xuất số 9, Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 hướng dẫn người dân chăn nuôi bò nhốt – Ảnh: H.G
Để hỗ trợ hiệu quả Nhân dân trên địa bàn đóng quân, những năm qua Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã kiên trì triển khai mô hình “Chi bộ đội sản xuất, cơ quan, đơn vị giúp các hộ nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi sản xuất, giảm nghèo” và “Đội sản xuất kết nghĩa thôn, bản hỗ trợ giúp dân giảm nghèo”, nhằm gắn kết trách nhiệm lâu dài của các cơ quan, đơn vị với Nhân dân. Đây là những mô hình gốc để cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị bám bản, bám địa bàn, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thu thập kinh nghiệm nhằm xây dựng các mô hình kinh tế.
Cán bộ của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã nỗ lực nghiên cứu thị trường để xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, như: nuôi dê giống địa phương, lợn Móng Cái ở xã Hướng Sơn, Hướng Việt; nuôi bò giống địa phương, bò lai Sind ở xã Hướng Linh; trồng lúa nước ở xã Hướng Sơn, Hướng Lập; trồng dong riềng ở xã Hướng Phùng…
Cùng với cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn tổ chức sản xuất, để đảm bảo cho Nhân dân có thu nhập ổn định, đơn vị đã liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; đầu tư một số dây chuyền sản xuất, thu mua, chế biến. Nhờ nỗ lực của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay người dân đã bỏ thói quen phát rừng làm rẫy, trồng lúa trên núi, chăn thả gia súc tự nhiên, không chuồng trại, hiệu quả thấp, ô nhiễm môi trường, đời sống phụ thuộc thiên nhiên, chuyển sang thâm canh lúa nước 2 vụ/năm, biết trồng hoa màu, rau xanh, tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi tập trung…
Nhờ vậy, đời sống, thu nhập của Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; bộ mặt bản làng thêm khởi sắc, góp phần xây dựng địa bàn ổn định về chính trị, KT – XH phát triển, QP-AN vững mạnh.
Thượng tá Nguyễn Đình Thắng, Chính ủy Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, cho biết: Chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bám sát và vận động Nhân dân duy trì, phát triển các mô hình, dự án đã triển khai, đặc biệt là các cây, con giống đã phát huy hiệu quả.
Đơn vị cũng tập trung chỉ đạo triển khai mở rộng các nguồn thức ăn, đồng cỏ chủ động dự trữ nguồn thức ăn chăn nuôi để phát triển đàn bò giống đạt chất lượng, sản lượng ngày càng cao. Có sự đồng hành, giúp đỡ chí tình của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Nhân dân vùng biên giới thêm yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, “bộ đội 337” đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương.
Hiếu Giang