(Cổng TTĐT) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 28, chiều ngày 4/12/2024, HĐND tỉnh khóa VIII chia tổ thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Tham dự tại các tổ thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan.
Trên cơ sở các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, tổng hợp ý kiến tham gia của các Tổ đại biểu trước kỳ họp và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, kỳ họp đã nhận được hơn 100 ý kiến thảo luận từ 8/8 Tổ đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử cấp huyện. Các ý kiến thảo luận cơ bản thống nhất cao nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, đề án trình Kỳ họp thứ 28.
Đối với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2025, Tổ đại biểu Hải Lăng – thị xã Quảng Trị có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá cụ thể hơn về các chỉ tiêu chủ yếu, các chương trình dự án trọng điểm đã đề ra, từ đó có giải pháp thiết thực hơn, tập trung lãnh đạo việc thực hiện các chỉ tiêu còn lại để Nghị quyết đạt kết quả cao nhất. Đồng thời b ban hành các giải pháp thiết thực để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quy hoạch chung của tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tổ đại biểu huyện Đakrông có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt đối với các vấn đề cụ thể như: Công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục có giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng…
Tổ đại biểu huyện Gio Linh có ý kiến đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai năm 2024 và các luật, văn bản mới, từ đó ban hành quy định của địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ các khó khăn cũng như thực hiện tốt một số nội dung như: công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; giải quyết dịch vụ công, các giao dịch về quyền sử dụng đất cho nhân dân. Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư gắn với kiểm tra, giám sát tiến độ theo cam kết đối với các dự án trọng điểm của tỉnh nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu huy động tổng đầu tư phát triển toàn xã hội; thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch nội tỉnh…
Tổ đại biểu Hướng Hóa có ý kiến: Về phần phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2025, đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã nêu. Có giải pháp nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai hiệu quả dự án; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách; tập trung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý nhà nước; chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, di cư tự do trên địa bàn tỉnh…
Về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, Tổ đại biểu Đông Hà có ý kiến: Văn bản hướng dẫn về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình dự án giảm nghèo thuộc Dự án 2 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 chủ yếu dành cho lĩnh vực nông nghiệp, không đề cập đến lĩnh vực phi nông nghiệp nên rất khó khăn trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện và thẩm định dự án. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo rất khó khăn, không có nguồn đối ứng và thiếu kinh nghiệm, chưa có bước đột phá trong suy nghĩ và tư duy thoát nghèo nên chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, hoặc làm thuê, không có các mô hình phù hợp. Đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ cho điều chỉnh bổ sung các văn bản về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên lĩnh vực phi nông nghiệp, từ đó giúp dự án triển khai đảm bảo có hiệu quả và bền vững.
– Tổ đại biểu Cam Lộ có ý kiến: Một số nội dung công trình trong danh mục phụ lục Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND như: Công trình đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; Công trình phòng chống thiên tai cấp xã; Cơ sở vật chất trường học; Xây mới, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã; Trung tâm thể thao, nhà văn hoá cấp xã; Điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; Chợ nông thôn; Điểm mua bán, trao đổi hàng hoá tập trung; Công trình tạo cảnh quan nông thôn: đề nghị tỉnh điều chỉnh, bổ sung nêu cụ thể nguồn vốn đối ứng ngân sách huyện, xã và nguồn huy động hợp pháp khác, không nên đưa tỷ lệ huy động đóng góp của nhân dân vì các dự án này phục vụ chung cho toàn xã hội mà huy động nhân dân đóng góp thì rất khó.
Về đầu tư, xây dựng cơ bản, giao thông, quy hoạch, quản lý đô thị, Tổ đại biểu Vĩnh Linh – Cồn Cỏ có ý kiến đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh thông báo số vốn 2 tỷ đồng còn lại (trong tổng số 3 tỷ đồng hỗ trợ huyện Vĩnh Linh xây dựng Nông thôn mới từ nguồn vốn thu sử dụng đất tỉnh năm 2024) để huyện có thể giải ngân được cho các công trình, dự án trong 2024 hay không, nếu không thì xem xét bố trí thêm trong năm 2025 cho huyện số kinh phí 2 tỷ đồng để tránh gây nợ đọng xây dựng cơ bản vì năm 2025 đã là năm cuối của kế hoạch trung hạn.
Về tài nguyên môi trường, đất đai, giải phóng mặt bằng, Tổ đại biểu Gio Linh có ý kiến đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo để sớm phê duyệt Phương án sử dụng đất, hoán đổi quỹ đất giữa các xã phía Tây huyện Gio Linh với Cty TNHH MTV cao su Quảng Trị để phục vụ xây dựng NTM. (Vấn đề này đã được nêu các kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Macnamara để có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bị ảnh hưởng ở quanh khu vực.
Tổ đại biểu Đakrông có ý kiến, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, tăng mức kinh phí sự nghiệp môi trường cho huyện để mua sắm các trang thiết bị, máy móc và sửa chữa hư hỏng (tại lò đốt rác xã Tà Rụt) nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, xử lý rác thải.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội và lĩnh vực dân tộc, Tổ đại biểu Vĩnh Linh – Cồn Cỏ có ý kiến: Một số nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành về chính sách của địa phương nhưng do không xác định được nguồn lực để thực hiện nên thiếu tính khả thi (như Nghị quyết hỗ trợ giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở các trường học). Hiện nay nhân viên y tế khu phố của 3 thị trấn (Cửa Tùng, Hồ Xá, Bến Quan) không được hưởng phụ cấp vì thiếu cụm từ “khu phố” trong hệ thống nhân viên y tế thôn, bản, khu phố, đề nghị HĐND tỉnh có chính sách đối với nhân viên y tế khu phố được hưởng như nhân viên y tế thôn, bản. Đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ (Vĩnh Linh có hồ sơ đã nộp từ năm 2019 nhưng chưa được giải quyết), hồ sơ đề nghị cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công. Sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo thực hiện chính sách người có công, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng.
Tổ đại biểu Hải Lăng – thị xã Quảng Trị có ý kiến, để thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật đảm bảo hiệu quả và phù hợp với nguồn lực của địa phương, kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí tỉnh cho địa phương để thực hiện.
Về lĩnh vực nội chính, pháp chế, tổ đại biểu Vĩnh Linh – Cồn Cỏ có ý kiến: Qua số liệu công tác xét xử thấy rõ gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng đối với các loại án. Đề nghị các ngành, cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể hơn trong năm 2025.
Tổ đại biểu Hướng Hóa có ý kiến đề nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Tư pháp và Uỷ ban Biên giới quốc gia chỉ đạo giải quyết dứt điểm các trường hợp dân di cư và kết hôn không giá thú chưa được phê duyệt nhập quốc tịch Việt Nam, đảm bảo chính sách phù hợp đưa vào quản lý chặt chẽ các vấn đề xã hội nảy sinh,…góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn miền núi của huyện. Các trường hợp dân di cư tự do và kết hôn không giá thú đủ điều kiện và nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện lập hồ sơ nhập quốc tịch theo Luật Quốc tịch. Đồng thời, có ý kiến đề xuất cấp có thẩm quyền về việc cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của nước CHDCND Lào theo hướng thuận tiện cho công dân Lào khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại vùng biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Các tổ đại biểu HĐND tỉnh cũng đã cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, đề án như: Đề nghị xem lại quy định vì định mức chi cao, nhưng chi thường xuyên giao không tăng, cùng với giao tiết kiệm chi từ 10-15%/năm đối với Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Cho ý kiến đối với Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kế hoạch đầu tư công năm 2025; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2024 và dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2025…
Theo chương trình, ngày mai 5/12/2024, Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phạm Mỹ Hạnh
Nguồn: https://www.quangtri.gov.vn/chi-tiet-tin/-/view-article/1/13848241113627/1733322109508