Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cùng với nhiều phương thức hỗ trợ, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có nhiều bước phát triển và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Qua đó, đã tạo thêm việc làm, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh (thứ nhất, bên phải) hướng dẫn người dân trồng cây cà phê theo hướng hữu cơ – Ảnh: H.T
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê theo hướng canh tác bền vững, HTX nông sản Khe Sanh là một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện Hướng Hóa với doanh thu gần 22 tỉ đồng/năm.
Được thành lập từ năm 2019, đến nay, HTX nông sản Khe Sanh đã có 30 thành viên chính thức và 115 thành viên liên kết, trong đó có 7 tổ nhóm hoạt động cùng nhau xây dựng chuỗi cà phê sạch, khép kín với tổng diện tích gần 160 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 2.000 tấn cà phê quả tươi.
Đặc biệt, đầu năm 2022, HTX nông sản Khe Sanh đầu tư nhà máy sản xuất phân bón vi sinh từ vỏ quả cà phê, cung cấp phân bón cho người dân theo hình thức trả chậm. Vỏ cà phê lâu nay vứt bỏ gây ô nhiễm môi trường nay được tận dụng làm phân bón.
Người dân được mua phân vi sinh với giá rẻ hơn thị trường 20%; thành viên HTX được hỗ trợ 50%. Việc sử dụng phân vi sinh đã giúp phục hồi đất, tăng độ xốp, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và an toàn với môi trường tự nhiên.
Đây cũng là yếu tố giúp chất lượng, giá trị cà phê Khe Sanh ngày càng được nâng cao, mang lại cơ hội làm giàu cho đồng bào Vân Kiều trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Hiện nay, sản phẩm cà phê Khe Sanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Khe Sanh. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đang tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê Khe Sanh.
HTX Nông nghiệp Tân Hợp, được thành lập vào năm 2018 với 10 thành viên. Chỉ sau 3 năm hoạt động, HTX Tân Hợp đã hoạt động khá ổn định bằng việc triển khai xây dựng các 7 ha vườn ươm các loại cây giống như: cây dược liệu, bời lời, cà phê chè phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng; trồng thí điểm mô hình chanh leo; trồng gừng, nghệ và 1 số loại cây trồng khác kết hợp chăn nuôi gà.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có thể thu hoạch quanh năm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho xã viên đồng thời tạo cơ sở để đầu tư tiếp. Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm tập thể nên năng suất, hiệu quả sản xuất cao hơn. Mặt khác, vấn đề liên doanh liên kết thuận lợi nên đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định.
Toàn huyện Hướng Hóa hiện có 21 HTX đang hoạt động với số vốn điều lệ đăng ký gần 75 tỉ đồng. Các HTX đã thu hút nhiều thành viên tham gia, trong đó có 17 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 4 HTX phi nông nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, kinh tế tập thể, HTX duy trì hoạt động ổn định; doanh thu, thu nhập của HTX và người lao động trong các tổ chức KTTT có chiều hướng gia tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Nhằm cung cấp thông tin kịp thời, góp phần đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX trên địa bàn, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo tuyên truyền phát triển KTTT, nòng cốt là HTX, trong đó đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã từng bước cải thiện và thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển KTTT trong tình hình mới; động viên, nhận diện và biểu dương kịp thời các mô hình điển hình tiên tiến trong hoạt động của các HTX.
Mặt khác, ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể từ huyện đến cơ sở đã được thành lập và kiện toàn; có sự phân công giữa các thành viên và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực KTTT. Công tác xây dựng và ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách về lĩnh vực KTTT được thực hiện kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đã đạt được, khu vực KTTT, nòng cốt là HTX trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Các HTX tham gia vào việc liên kết tiêu thụ nông sản tại địa phương đang còn ít, mới chỉ có 6/16 hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Một số HTX chậm đổi mới trong hoạt động, chưa có nhiều phương án, mô hình sản xuất – kinh doanh mang lại hiệu quả. Các HTX phi nông nghiệp một số năng lực tài chính hạn chế, khả năng phát triển chậm, chưa thích ứng kịp trong nền kinh tế thị trường, chưa thể hiện rõ vai trò hỗ trợ thành viên. Mặt khác, mặc dù UBND huyện đã hướng dẫn các HTX tiếp cận và đăng ký các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, song vướng mắc nhất trong công đoạn chế biến do thiếu máy móc, thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng.
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có 22 HTX với doanh thu bình quân khoảng 1 tỉ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 50 triệu đồng/năm, huyện Hướng Hóa tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông và các hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Chú trọng đổi mới, phát triển các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác của nông dân, phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Tiếp tục tăng cường, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong nền kinh tế địa phương; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội đoàn thể chính trị trong việc vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên, quần chúng tham gia phát triển KTTT trên địa bàn.
Thu Hạ
Nguồn: https://baoquangtri.vn/kinh-te-tap-the-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-o-huong-hoa-187985.htm