Đến thăm vườn cây ăn quả của ông Lê Hồng ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh chúng tôi mới cảm nhận được ý chí và nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu của một lão nông đã ngoài 70 tuổi. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vườn cây ăn quả của ông Hồng cho thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Lê Hồng (bên trái) giới thiệu vườn quýt PQ của gia đình -Ảnh: P.N
Gia đình ông Hồng có hơn 1,5 ha đất canh tác nông nghiệp, từ những năm 2013 trở về trước trồng hoàn toàn cây cao su. Tuy nhiên, ông cho biết thời điểm đó cuộc sống còn gặp khá nhiều khó khăn và chưa có kinh nghiệm canh tác nên việc chăm sóc chưa được chu đáo, cây phát triển chậm, sau đó thiên tai liên tục khiến nhiều cây bị gãy đổ, do đó hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Đến đầu năm 2014, khi UBND huyện Vĩnh Linh và UBND xã Vĩnh Hòa đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, ông Hồng là một trong những người tiên phong thực hiện tại địa phương.
Được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Nông dân xã, ông thử nghiệm chuyển đổi 0,25 ha cao su sang trồng cây quýt. Để có được giống cây tốt nhất, ông lặn lội ra tận Nghệ An – thủ phủ của các loại quýt để lựa chọn. Sau khi tìm hiểu và tham quan nhiều mô hình trồng quýt ở huyện Nghĩa Đàn, ông đã quyết định mua 200 cây quýt PQ về quê canh tác.
Nói về lý do lựa chọn giống quýt PQ, ông Hồng lý giải : “Giống quýt này phát triển tốt trên vùng đất đỏ ba dan ở huyện Nghĩa Đàn nên tôi nghĩ cũng sẽ thích hợp với điều kiện đặc thù đất đỏ ba dan tại xã Vĩnh Hòa. Mặt khác, giống quýt PQ ít bị sâu bệnh, trong quá trình trồng cũng không phải mất nhiều công cho việc chăm sóc, bón phân và không phải đầu tư quá lớn. Đặc biệt, chu kỳ của cây kéo dài, thường là trên 10 năm và trồng 3 năm thì có thể thu hoạch lứa đầu tiên; khi quả chín thời gian lưu lại trên cây lâu hơn so với các giống quýt khác”.
Nhờ nghiên cứu kỹ những đặc tính và quy trình canh tác của loại cây này, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên vườn quýt của ông Hồng đã cho năng suất cao và sản lượng duy trì đều trong những vụ tiếp theo. Trung bình mỗi cây đạt năng suất từ 20 – 30 kg quả, như vậy với 200 gốc quýt mỗi vụ ông Hồng thu được 6 – 8 tấn quýt. Vì quýt PQ vào vụ thu hoạch chính từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, trùng với thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán nên rất dễ bán và bán được giá, giá bán tại vườn dao động từ 15.000 – 17.000 đồng/kg.
Sau khi trừ các khoản chi phí mỗi vụ ông lãi từ 60 – 70 triệu đồng. Từ hiệu quả mà vườn quýt mang lại, ông Hồng quyết định chuyển đổi toàn bộ số đất trồng cao su còn lại sang canh tác cây ăn quả. Tuy nhiên, với mong muốn đa dạng các loại cây trồng và tìm đến các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, bên cạnh quýt PQ, ông Hồng đã trồng thêm các loại như mít Thái, ổi lê, bưởi da xanh và cam.
Hiện nay, các loại cây ăn quả của ông cũng đã lần lượt cho thu hoạch những vụ đầu tiên, làm tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Ông Hồng phấn khởi chia sẻ rằng sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi năm ông thu lãi khoảng 120 – 150 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.
Từ mô hình của ông Lê Hồng, những năm gần đây trên địa bàn xã Vĩnh Hòa nói riêng và huyện Vĩnh Linh nói chung nhiều người dân đã lựa chọn giải pháp chuyển đổi cây trồng kém chất lượng sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Trong đó, các loại cây ăn quả là một trong những lựa chọn hàng đầu của người nông dân.
Phương Nga