Sáng nay 17/4, Đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP – AN) của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức làm trưởng đoàn có phiên làm việc với tỉnh Quảng Trị về khảo sát phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến; các ĐBQH tỉnh làm việc với đoàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu đặt vấn đề tại phiên làm việc – Ảnh: Lê Minh
Tai nạn giảm sâu sau khi có cao tốc
Báo cáo tại phiên làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, từ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công an, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn Quảng Trị.
Trong đó, chú trọng thực hiện các chính sách, quy định về quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng GTVT và ATGT, bảo trì bảo dưỡng các tuyến đường đảm bảo các yếu tố kỹ thuật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, xử lý đúng quy định các vi phạm theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tại phiên làm việc – Ảnh: Lê Minh
Kết quả, mạng lưới kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, trong đó có 8.776 km đường bộ, 76 km đường sắt Bắc – Nam, 133,2 km đường thủy đưa vào quản lý; về đường biển hiện đang khai thác các cầu cảng tại Khu bến cảng Cửa Việt, đang triển khai xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy; đường hàng không đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP với quy mô sân bay cấp 4C, quân sự cấp II.
Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) từ 2019 – 2023, xảy ra 890 vụ, làm chết 505 người và bị thương 671 người. TNGT có chiều hướng giảm dần qua các năm, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, năm 2023 khi tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đưa vào khai thác, số vụ tai nạn giảm sâu, giảm so với năm 2022 là 24 vụ (-10,3%), 15 người chết (-14,6%), 13 người bị thương (-7,1%). Tuy nhiên, hiện nay việc Bộ GTVT ban hành quy định phân luồng các phương tiện xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải hạng nặng bắt buộc đi về Quốc lộ 1 khiến nguy cơ TNGT tăng cao, người dân trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự lo ngại.
Nhiều vướng mắc khi thực hiện pháp luật đường bộ
UBND tỉnh cho rằng, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình, dự án giao thông đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo quy định của Luật Đất đai, trước khi thu hồi đất, phải hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư trước khi thực hiện việc thu hồi đất ở. Điều này chưa phù hợp với thực tiễn, vì thực tế việc thu hồi đất và xây dựng khu tái định cư được thực hiện cùng lúc sẽ rút ngắn thời gian GPMB, vì vậy cần điều chỉnh phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng nêu những bất cập trong thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ – Ảnh: Lê Minh
Khi thu hồi đất của các tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm thì không được bồi thường về đất (chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại). Do đó, việc tuyên truyền, vận động khi nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Việc thu hồi đất trong phạm vi mốc giới GPMB, sau khi đường hoàn thành đưa vào sử dụng thì các hộ dân có nhà ở trong phạm vi hành lang ATGT không được xây dựng lại nhà ở mới làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân sử dụng đất xây dựng nhà ở trong phạm vi hành lang ATGT.
Bên cạnh đó, có những vướng mắc, bất cập trong tổ chức đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ thuộc địa phương quản lý; việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống đường bộ thuộc trung ương quản lý cần được tháo gỡ.
Quá trình xử lý các điểm đen mất ATGT, có những vị trí cần phải bồi thường, GPMB nhưng kinh phí cho công tác này còn hạn chế nên dẫn đến nhiều khó khăn trong đảm bảo trật tự ATGT. Việc thỏa thuận bổ sung quy hoạch các điểm đấu nối với Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh còn gặp nhiều vướng mắc do thủ tục đấu nối.
Cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập trong tổ chức, chất lượng, quy mô và tình hình phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo TTATGT.
Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh chưa có đường tránh TP. Đông Hà, tránh các đô thị, thị trấn có mật độ phương tiện nội bộ lớn đã khiến xung đột giao thông giữa các phương tiện nội tỉnh với phương tiện qua địa bàn gia tăng, mất ATGT và gây ra nhiều vụ TNGT. Trong khi đó, lực lượng tuần tra, xử lý và các phương tiện, thiết bị giám sát, xử lý chưa tương xứng với địa bàn.
Luật Thanh tra thay đổi và đang thiếu các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác thanh tra chuyên ngành đã ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra giao thông đường bộ, dẫn đến công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về TTATGT có lúc, có nơi chưa đến hết với người dân. Vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc chấp hành Luật Giao thông, chưa nghiêm túc khi tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn.
Kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo TTATGT
Từ những bất cập trên, UBND tỉnh kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT đường bộ đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, ổn định, dễ tiếp cận.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các quy định về đảm bảo TTATGT đường bộ đến mọi người dân để Nhân dân hiểu và nêu cao trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và đáp ứng với sự phát triển của GTVT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến kiến nghị xử lý những bất cập trong thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ – Ảnh: Lê Minh
Bố trí nguồn lực quản lý, bảo trì hệ thống GTVT đáp ứng nhu cầu. Xây dựng Quốc lộ 1 có tuyến tránh các đô thị có mật độ phương tiện nội bộ lớn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành hệ thống giao thông đường bộ.
Sớm triển khai Dự án cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo; bố trí kinh phí triển khai xây dựng tuyến Quốc lộ 9 từ Cửa Việt đi Quốc lộ 1. Giải quyết vấn đề công trình giao thông đi qua rừng đặc dụng, cần có quy định đặc thù. Phân luồng xe lớn lưu thông trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn về Quốc lộ 1 tạo nguy cơ TNGT cao đối với người dân Quảng Trị. Đề nghị Ủy ban QP – AN của Quốc hội có sự giám sát, chỉ đạo để đảm bảo ATGT trên địa bàn.
Đối với góp ý vào dự thảo luật, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ, tránh trùng lặp, chồng chéo với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị bổ sung quy định bến xe được bố trí ổn định, ở những nơi thuận tiện trong việc kết nối giữa vận tải ô tô với các phương thức vận tải.
Tăng cường đầu tư hệ thống giám sát giao thông. Bố trí các biển báo giao thông hợp lý bởi hiện nay hệ thống biển báo quá nhiều, quá dày; cần có cơ quan quản lý có trách nhiệm rõ ràng để bố trí biển báo khoa học, rõ ràng để người dân chấp hành…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP – AN của Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Minh Đức ghi nhận các kiến nghị của tỉnh – Ảnh: Lê Minh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP – AN của Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Minh Đức chia sẻ với tỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo TTATGT thời gian qua.
Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của địa phương để trình Quốc hội xem xét quyết định trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt sẽ kiến nghị sửa một số luật như: đầu tư công, đầu tư PPP, tài nguyên – môi trường nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai, tạo thuận lợi cho các địa phương trong thực hiện, triển khai các dự án giao thông và đảm bảo TTATGT.
Lê Minh