PHAN VĂN PHƯỚC, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phụ trách Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị
Cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân, đánh dấu sự ra đời của lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tại Quảng Trị, ngày 10/6/1974, Hạt Kiểm lâm khu vực Vĩnh Linh chính thức được thành lập, là đơn vị tiền thân của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị ngày nay.
Từ buổi đầu mới thành lập chỉ có 1 hạt kiểm lâm vào năm 1974, đến nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 8 hạt kiểm lâm, 1 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), 2 trạm kiểm lâm trực thuộc chi cục, 15 trạm kiểm lâm khu vực. Toàn chi cục có 145 công chức và lao động hợp đồng, trong đó 51 người có trình độ thạc sĩ, 84 người có trình độ đại học.
Quá trình hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng của lực lượng kiểm lâm, đặc biệt từ khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, sau này là Luật Lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp bước vào giai đoạn mới theo hướng ổn định và phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT những biện pháp kịp thời nhằm tích cực quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác quản lý rừng được tổ chức thực hiện tốt, hằng năm kịp thời đánh giá sự biến động của rừng cả về trồng mới lẫn khai thác sử dụng, cả rừng tự nhiên lẫn rừng trồng.
Đến nay, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh đạt 248.189 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.693 ha, rừng trồng 121.495 ha; tỉ lệ che phủ rừng là 49,4%. Kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh thực hiện việc chuyển đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để thực hiện các dự án.
Về công tác bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu trình UBND tỉnh thành lập 2 Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa. Từng bước thực hiện vai trò chủ rừng có kết quả tốt, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tập trung bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm, đặc hữu hiện có, tạo điều kiện để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng cao việc quản lý, sử dụng hiệu quả các dịch vụ hệ sinh thái rừng.
Công tác xã hội hóa nghề rừng và quản lý bảo vệ rừng từng bước được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh đã thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho những chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế quản lý với tổng diện tích hơn 200.000 ha, chiếm 62% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó giao cho cộng đồng và hộ gia đình hơn 20.000 ha; tổ chức giao khoán trên 90.000 ha rừng tự nhiên để Nhân dân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi lâu dài.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân địa phương tuần tra bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa – Ảnh: BẢO BÌNH
Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) bằng cách hướng dẫn, chỉ đạo cho các chủ rừng xây dựng phương án PCCCR theo 3 cấp (cháy lớn, cháy vừa, cháy nhỏ) để giúp cho UBND tỉnh, huyện, xã điều hành chỉ đạo khi có cháy rừng xảy ra… Thực hiện tốt công tác dự báo cháy rừng, tổ chức hơn 100 cuộc diễn tập cấp xã, 20 cuộc diễn tập cấp huyện và 10 cuộc diễn tập cấp tỉnh, qua đó để nâng cao tính chủ động, điều hành, phối hợp trong chữa cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh đã ngày đêm bám sát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho Nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng. Theo số liệu thống kê, 10 năm gần đây lực lượng đã phát hiện và bắt giữ 2.759 vụ vi phạm, xử lý tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ các loại, trên 3.000 kg động vật hoang dã và nhiều loại lâm sản khác…Thu ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản hơn 100 tỉ đồng, tình hình vi phạm các năm sau giảm dần so với các năm trước.
Việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đã được đặc biệt quan tâm. Diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ FSC đạt hơn 26.000 ha, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Công tác truyền thông phổ biến pháp luật lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư với nhiều hình thức, nội dung phù hợp: đã tổ chức hơn 4.000 cuộc họp dân với hơn 200.000 lượt người tham gia, tổ chức 6 cuộc thi tìm hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp) và “Chống buôn bán, khai thác, sử dụng động thực vật hoang dã” trong các trường trung học cơ sở ở 9 huyện, thị xã, thành phố với 67 trường học tham gia.
Trong thực thi nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm đang thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng chữ ký số, các bộ thủ tục hành chính theo TCVN ISO 9001:2015; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu các đề tài khoa học để nâng cao hiệu quả công việc.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, xác định kiểm lâm địa bàn là trung tâm, công tác thi đua – khen thưởng là động lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ là điểm nhấn. Từ đó, mọi hoạt động đều hướng vào việc xây dựng kiểm lâm địa bàn vững mạnh, coi đây là kết quả hoạt động của toàn lực lượng.
Với kết quả công tác và thành tích đạt được, lực lượng kiểm lâm đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân trong lực lượng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích xuất sắc của 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị tiếp tục phấn đấu, học tập, rèn luyện để đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đủ phẩm chất chính trị, đạo đức tốt nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.