Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Lăng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), quyết liệt triển khai các nghiệp vụ qua dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch.
Kho bạc Nhà nước Hải Lăng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế -Ảnh: M.T
Năm 2023, theo bảng thống kê mức độ hài lòng toàn hệ thống, KBNN Hải Lăng là đơn vị có tỉ lệ về mức độ hài lòng của khách hàng đứng đầu các đơn vị KBNN trong tỉnh và xếp thứ 129/703 đơn vị toàn quốc.
Từ năm 2018, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ, KBNN Hải Lăng đã tích cực tuyên truyền, phân công, bố trí công chức nghiệp vụ để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, nắm bắt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến và nhận được sự ủng hộ tích cực từ các đơn vị quan hệ ngân sách. Có 99/99 đơn vị đã đăng ký thực hiện, đảm bảo tất cả chứng từ giao dịch đều thanh toán qua chương trình DVC.
KBNN Hải Lăng cũng là đơn vị dẫn đầu trong việc vận động, tuyên truyền, hướng dẫn chủ tài khoản/kế toán trưởng các đơn vị cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc truy vấn biến động số dư các tài khoản kịp thời, chính xác, góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất thoát đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2020, thực hiện Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN đã giúp cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ. Quy trình, thủ tục kiểm soát chi được đơn giản hóa, theo đó, thời gian kiểm soát được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư, 1 ngày làm việc đối với các khoản chi “thanh toán trước, kiểm soát sau”.
Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN được phân định rõ ràng, áp dụng kiểm soát chi theo rủi ro, kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi, cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.
Trong công tác thu NSNN, để mở rộng không gian, thời gian nộp NSNN, đa dạng hình thức và địa điểm thu nộp NSNN, đến nay KBNN Hải Lăng đã phối hợp thu với các ngân hàng thương mại trên địa bàn bao gồm: Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank. Vì vậy, quy trình, thủ tục thu NSNN được đơn giản hóa, rút gọn, phương thức thu nộp đa dạng với nhiều loại hình thanh toán khác nhau.
Giảm thời gian nộp tiền cho người nộp thuế từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác thu NSNN, góp phần tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Trước đây có tình trạng thời điểm các đơn vị tập trung thanh toán cuối năm ngân sách cũ và đầu năm ngân sách mới, nên khối lượng hồ sơ chứng từ phải giải quyết rất nhiều, dẫn đến giao dịch viên không xử lý kịp thời, còn để hồ sơ quá hạn, từ chối nhiều lần. Đến nay, tình trạng này được khắc phục, hồ sơ từ chối nhiều lần mà lỗi chủ quan về phía KBNN Hải Lăng đã giảm hẳn.
Chị Phan Yến, trú tại thị trấn Hải Lăng cho biết: “Bây giờ giao dịch hành chính tại KBNN Hải Lăng thuận lợi hơn rất nhiều. Chất lượng giải quyết, xử lý hồ sơ, chứng từ được nâng cao, thủ tục đơn giản, rút gọn. Đặc biệt, việc từ chối DVC nhiều lần đã được khắc phục triệt để”.
Một điểm nhấn nổi bật trong công tác cải cách TTHC của KBNN Hải Lăng đó là việc triển khai diện rộng quy trình thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện, tiền nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách. Toàn bộ quy trình được thực hiện trên hệ thống điện tử kết nối từ hệ thống của VNPT – Vinaphone và Vietinbank với cổng trao đổi dữ liệu của KBNN.
Hằng tháng các đơn vị sử dụng ngân sách không phải gửi yêu cầu thanh toán đối với các khoản chi tiền điện và viễn thông, KBNN tự động thanh toán theo ủy quyền của đơn vị, từ đó giảm thiểu chi phí xã hội, góp phần cải cách TTHC. Đến nay, đã có 82/82 đơn vị đủ điều kiện ủy quyền thực hiện ủy quyền thanh toán tự động qua KBNN Hải Lăng.
Để có cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ, hằng năm, cùng với hệ thống KBNN, KBNN Hải Lăng đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của đơn vị, tổ chức và cá nhân đối với sự phục vụ của KBNN tại ứng dụng khảo sát, đánh giá được mở trên Trang thông tin DVC của KBNN.
Để công tác khảo sát đi vào thực chất và đạt kết quả đề ra, KBNN Hải Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách trách nhiệm, quyền lợi của khách hành khi tham gia khảo sát. Bởi lẽ thông qua hoạt động này sẽ giúp KBNN thấy được những ưu, khuyết điểm trong công tác phục vụ khách hàng, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Bên cạnh hoạt động khảo sát định kỳ do KBNN triển khai trên trang thông tin DVC, với tinh thần cầu thị và tiếp thu, đơn vị đã công khai đường dây nóng, tại sảnh chính trụ sở đơn vị có đặt hòm thư góp ý để tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía khách hàng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện phản ánh, kiến nghị về việc giải quyết TTHC và tình hình hoạt động của KBNN Hải Lăng để xử lý kịp thời, hợp lý, đảm bảo quy trình.
Giám đốc KBNN Hải Lăng Hoàng Hải Hà cho biết: Nhờ những bước tiến về CCHC và ứng dụng CNTT, đến nay, KBNN Hải Lăng đã thực hiện thành công mục tiêu “không giao dịch tiền mặt tại trụ sở kho bạc”, chi thường xuyên 100% giao dịch trên chương trình DVC điện tử và đang lộ trình hoàn thành mục tiêu kho bạc “3 không” – không chứng từ giấy, không khách giao dịch trực tiếp và không giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN.
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đặc biệt là hướng tới mục tiêu kho bạc số, KBNN Hải Lăng sẽ tiếp tục bám sát chương trình hành động của chiến lược để chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ của từng cán bộ; đào tạo và đào tạo lại, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ đáp ứng với các yêu cầu mới. Hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, TTHC và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết.
Minh Trí