Nhà thơ Võ Văn Luyến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị vừa cho ra mắt thêm một đứa con tinh thần “Từ độ qua sông”* với gần 120 thi phẩm, hầu hết được sáng tác trong thời gian gần đây, chất chứa những trăn trở, chiêm nghiệm, suy nghiệm và có thể cả linh nghiệm, mở rộng thêm những chiều kích trong tư duy nghệ thuật. Tác phẩm là sự tiếp nối của các tập thơ trước đó như “Mật ngôn của biển” và “10 ngón thu”.
Thi sĩ Võ Văn Luyến là người chịu khó tìm tòi, thể nghiệm nhưng lại không phải cực đoan trong sáng tác và có lẽ đã hình thành một quan niệm khá nhất quán: vừa truyền thống lại vừa nỗ lực cách tân thơ mình, tạo nên những cột mốc cây số mới trên hành trình thi ca của bản thân tác giả.
Đến tập thơ này cũng vậy, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều bài thơ nhuần nhị với thi pháp truyền thống như: Thì thầm với Thành Cổ, Yêu thương chảy về vùng lũ, Nhớ cha, Lời tự sự dưới bóng chiều xuân, Đêm mơ sông lạnh, Cho ngày chóng qua…
Tập thơ “từ độ qua sông” -Tranh bìa: Thanh Song
Chẳng hạn bài thơ Thì thầm với Thành Cổ, tác giả mở đầu: “thành phố ngân tiếng chuông màu đỏ/mang lời thỉnh cầu màu xanh/những phế tích biết đi vào trang sử/chẳng cần ai làm nhân chứng cho mình”. Lời thơ nhẹ nhàng như một lời tâm sự đầy da diết về một địa chỉ tâm linh luôn nghi ngút khói hương trong tâm cảm cộng đồng, đã thành ký ức của cả dân tộc này dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
Viết về chiến tranh, mất mát, hy sinh nhưng trào dâng một khát vọng hòa bình, một thông điệp mà thi nhân ký thác: “ngàn lau cứa chân trời rỉ máu/ngày chưa thôi ôm mộng đi về/Thành Cổ đó nụ cười mai hậu/nát tan đâu giết nổi câu thề”. “ngàn lau cứa chân trời rỉ máu” là một câu thơ có sự tìm tòi, trăn trở mang tính biểu tượng như một nhói đau luôn nhắc nhở cả những khi trái tim không trái gió trở trời. “thì yêu nhau còn ngại ngùng chi nữa/cháy nụ hôn dưới bóng sao trời/ngỡ Thành Cổ lại nóng nghìn độ lửa/trăm ơn em vạn thuở ơn người”.
Như người ta vẫn nói khi chinh chiến đi qua, chỉ còn lại tình yêu, tình thương, tình người là cao quý, vĩnh cửu.
Bài thơ kết bằng lời thì thầm nguyện cầu rung lên từ ngực trái. Nhưng tập thơ có những đổi mới ngay từ chuyện hình thức có vẻ đơn thuần. Trước hết tập thơ không hề có bài nào trùng với tên gọi cho cả tập thơ.
Đây cũng là ý đồ của tác giả để xóa đi định hướng quen thuộc là phải có bài “đinh” được đặt tên cho cả tập thơ. Cần phải dân chủ hóa đối với mọi tác phẩm trong tập thơ, để người đọc không bị chi phối bởi cách nhìn chủ quan của tác giả, để những chuyển động của các phân tửbài thơ được tự do.
Rồi chuyện không viết hoa đầu dòng, không viết hoa sau dấu chấm câu, mỗi câu thơ không chỉ là một dòng mà có thể nhiều dòng nhằm kiến tạo nên ý nghĩa mới, phá vỡ những giới hạn vốn có của thơ cả về nội dung và nghệ thuật; cũng có chỗ danh từ riêng biến thành danh từ chung hoặc tính từ…
Tất cả đều hướng tới nỗ lực sự cách tân thơ của tân hình thức và hậu hiện đại. Có thể liệt kê ra những bài thơ theo hướng này như: Lựa chọn, Những chiếc ghế trên tường, Bên cầu tử sinh, Đêm hãy còn cau mặt…
Bài thơ Lựa chọn với đề từ “Kính tặng một nhà thơ hậu hiện đại” là một thể nghiệm như thế: “rụng xuống đêm chùm linh thảo/ngai ngái mùi hương/gió ngựa thả giấc mơ trốn gặp/ngọn núi biến ảo bàn tay lá vẫy/nghịch lý siêu hình”.
Hai câu mở đầu sự liên tưởng trong thơ còn ở bề mặt nhưng đến hai câu kết tiếp sự “kết dính” ngữ nghĩa đã dần mờ nhòe, chỉ còn là ký hiệu như đom đóm lập lòe ẩn hiện trong đêm. Câu cuối đoạn thơ là một khái quát ngắn gọn mang vác sự thách thức ngôn từ. “những dụ ngôn không còn an trú dưới cỏ/kham nhẫn và cô độc/giấu vào đâu sự đòi sáng của lửa/ mặc cảm bóng tối phủ dày”.
Đoạn thơ như một cô độc bản ngã trong đêm tối mang tính nghịch lý: vừa muốn phơi bày lại vừa muốn cất giấu trong một lưỡng phân tâm trạng, mịt mờ và bí hiểm như câu đố nhân sư. “đánh vật với tín hiệu chóng mày chóng mặt/bày biện thế giới kiểu đuổi hình bắt chữ/như một lựa chọn về tồn tại/chờ đến ngày mai”.
Đoạn kết như một trải nghiệm về triết lý nhân sinh đương đại, của tâm và trạng chính ngày hôm nay, ít ra cũng là của chính tác giả. Cô đọng, cô đặc và đương nhiên không dễ hiểu một khi người viết muốn tìm tòi, phá cách.
Nó đòi hỏi một cách cảm khác, một cách hiểu khác, cả sự đồng sáng tạo như các nhà phê bình hiện nay thường nói. Dễ liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Gia Thiều: “Cái quay búng sẵn lên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Thơ ca nào, độc giả đó.
Bài thơ Những chiếc ghế trên tường cũng tương tự. Xin lưu ý là những chiếc ghế trên tường chứ không phải là những chiếc ghế trong phòng, không phải hiện thực cụ thể mà là hình tượng ảo, phản chiếu cách nhìn, cách tưởng tượng mới mẻ của nhà thơ.
Vì thế nên sau khi bàn đến những – chiếc -ghế – ảo trong cuộc nhân sinh, nhà thơ đã có một tiểu kết cũng lạ kỳ như chính bản thân bài thơ: “ôi những chiếc ghế tuyệt vời/chúng thấy ra bản thể minh triết/chúng giải thoát thân phận dưới đáy/chúng cám ơn sự sáng tạo vô biên/chúng mặc kệ tôi đứng yên”.
Đúng rồi, những chiếc ghế ảo mà cũng rất thực dù chúng biến hóa khôn lường, đem lại muôn sự bất ngờ, chỉ có con người, cụ thể là tác giả ở đây vẫn đứng yên và vì thế đã rơi ra ngoài cuộc chơi bởi không theo kịp những chiếc ghế hay là vì muốn cố định hóa một quan niệm, một cách nhìn…Rất nhiều lý giải, bài thơ kết thúc nhưng lại hé mở nhiều chuyện khác.
Khi thơ sang sông có giống như chim sáo sang sông, có giống con tốt sang sông lột xác thành sự lợi hại khôn lường. Lại nhớ đến kinh thư uyên nguyên bậc nhất là Kinh Dịch. Quẻ kế cuối là quẻ ký tế, có nghĩa là đã xong việc (như chuyện đã sang sông) nhưng quẻ cuối cùng lại là vị tế, có nghĩa là vẫn chưa xong việc (chưa qua sông).
Thấy rất nghịch lý nhưng lại rất có lý, có tình và đầy ắp minh triết. Hành trình của thơ, trong đó có thơ của thi sĩ Võ Văn Luyến có lẽ cũng vậy. Chúc mừng thi sĩ đã có tác phẩm mới, sáng tạo mới và để lại ấn tượng quan trọng trong hành trình với Nàng Thơ, trước hết với thi ca Quảng Trị.
Phạm Xuân Dũng
* “Từ độ qua sông” – tập thơ của nhà thơ Võ Văn Luyến, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2024.
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khi-tho-da-sang-song-189097.htm