Khát vọng hòa bình là một ý tưởng, chủ đề mà Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện công trình sáng tác văn học trong năm 2024-2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Hai địa phương được chọn thực hiện công trình này là tỉnh Quảng Trị và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hai vùng đất được xem là chịu mất mát, hy sinh lớn lao nhất trong chiến tranh. Vào đầu năm 2024, đoàn văn nghệ sĩ với 20 nhà văn trên 3 miền do Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm trưởng đoàn đã về Đà Nẵng và Quảng Nam đi thực tế sáng tác để chuẩn bị cho bộ sách mang tên “Khát vọng hòa bình”. Sách đang trong giai đoạn tập hợp bài vở, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay. Cũng nằm trong chủ trương đó, “Khát vọng hòa bình” tập 1 (NXB Hội Nhà văn) do Chi hội Nhà văn Quảng Trị vừa xuất bản cũng mang ý nghĩa cổ động cho Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề “Chung tay kiến tạo hòa bình thế giới” lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị.
Tập sách với sự có mặt của hơn 55 nhà văn, nhà thơ, lý luận văn học, nhiếp ảnh gia, nhà báo. Đó là những nhà thơ, nhà văn người Quảng Trị nổi tiếng trên văn đàn từ chiến tranh như Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Cao Hạnh… cho đến những tác giả kế cận như Văn Xương, Nguyễn Ngọc Chiến, Võ Văn Luyến, Nguyễn Văn Dùng, Phạm Xuân Hùng…
Sống và viết trên một mảnh đất đau thương và kiên trung, quả cảm và anh hùng, văn chương Quảng Trị thể hiện nỗi tự hào bằng một niềm xác tín rằng, họ “có quyền nói với toàn dân tộc và toàn nhân loại về “khát vọng hòa bình”.
Bởi trên chính mảnh đất này trong những năm chiến tranh, cái giá của hòa bình đã phải trả bằng máu (Nguyễn Quang Thiều). Về văn xuôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường – một nhà văn viết bút ký tài hoa, những trang văn viết giữa lòng đất mẹ của anh luôn đậm đầy cảm xúc bằng một thứ ngôn ngữ bay bổng, quyến rũ.
“Hành lang của người và gió” kể lại một sự kiện lịch sử của sinh viên Huế bừng bừng khí thế đêm 27/1/1972, bất chấp sự ngăn cản từ lực lượng cảnh sát bờ Nam, cầm đuốc lên cầu Hiền Lương, trong âm vang “Hòa bình Việt Nam muôn năm” thể hiện ý thức chung thẩm về hòa bình, thống nhất đất nước.
Cũng là những sự kiện bên sông tuyến, câu chuyện dựng Cột cờ bên sông tuyến (Ngọn cờ ấy trong anh, trong tôi), được nhà văn Xuân Đức kể lại bằng sự bồi hồi của ký ức về quá trình tổ chức dựng cột cờ phía bờ Bắc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm giữ vững lá cờ mãi tung bay giữa bầu trời vì nó mang một ý nghĩa chính trị rất lớn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dù không trực tiếp tham dự cuộc chiến tại Quảng Trị nhưng bằng một góc nhìn đầy trách nhiệm và lương tri của người cầm bút thời nay đối với vùng đất thiêng này, đã có một mong muốn cần có những hành động thiết thực, mạnh mẽ và quyết liệt để “tổ chức một cuộc duyệt binh cho hòa bình với sự tham dự của đông đảo những nhà văn mặc áo lính” – những người đáng được vinh danh vì họ đã sống, chiến đấu và sáng tạo văn chương vì một cuộc sống hòa bình trên vùng đất lửa.
Những bút ký của nhà văn, nhà báo Văn Công Hùng, Minh Tứ, Lương Ngọc An, Lê Đức Dục, Đào Tâm Thanh, Phạm Xuân Dũng, Hoàng Công Danh… đã phản ánh một chặng đường đấu tranh gian khổ, anh hùng của Quảng Trị trong quá khứ bằng một cảm thức, hồi quang nhìn lại trong sự tiếp nối với hiện thực hòa bình xây dựng và phát triển, thể hiện niềm tự hào, hy vọng của Quảng Trị trong tương lai.
Các nhà báo đã giới thiệu những địa danh, di tích văn hóa, lịch sử và kinh tế, cùng những kế hoạch mục tiêu hoạt động nhằm xây dựng Quảng Trị là một thành phố biểu tượng cho hòa bình.
Những truyện ngắn của Cao Hạnh, Nguyễn Quang Lập, Sương Ngọc Minh, Nguyễn Đình Tú, Văn Xương, Nguyễn Ngọc Chiến, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hiệp… lấy bối cảnh trên những vùng đất lửa như Thành Cổ Quảng Trị, Đường 9 Khe Sanh, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thạch Hãn, Cam Lộ, Cồn Cỏ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cùa, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đường Trường Sơn huyền thoại, Thành Tân Sở, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… trong chiến tranh đau thương, mất mát nhưng vẫn cháy bỏng một giấc mơ hòa bình, nay đã trở thành hiện thực.
Trong một số truyện ngắn được viết gần với thể loại ký, cũng dễ hiểu bởi hiện thực cuộc sống trên vùng đất lửa, sự hy sinh mất mát quá lớn, chiến tranh thật khốc liệt, đã trở thành một nỗi ám ảnh về những địa danh khốc liệt đạn bom trong quá khứ nhưng người ta vẫn yêu nhau, ấm áp tình nghĩa, với lòng bao dung, tình đồng đội, vẫn sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Văn chương của Quảng Trị đã lên tiếng như một tiếng vọng sâu thẳm trong niềm khát khao hòa bình, một nỗi khát khao của cả dân tộc.
Về mảng thơ, tập sách cũng đã quy tụ nhiều nhà thơ tên tuổi như Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Hoàng Vũ Thuật, Trần Quang Đạo… cùng một số nhà thơ đã từng sống và chiến đấu tại Quảng Trị, kể cả những nhà thơ trên đường vào miền Nam chiến đấu đều đi qua vùng đất này.
Quảng Trị luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào cho những người cầm bút. Với chùm thơ (5 bài) đã giới thiệu một chân dung thơ Chế Lan Viên trong chiều sâu trí tuệ mà ngập tràn cảm xúc, trăn trở suy tư, ký thác những nỗi niềm qua những chặng đường sáng tác.
Một Hữu Thỉnh với ngôn ngữ thơ đầy hình ảnh ẩn dụ, sâu kín, ấm áp yêu thương, tha thiết với ký ức, quê hương, cuộc sống… Thế hệ tiếp nối với các nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Văn Dùng, Võ Văn Luyến, Võ Văn Hoa, Xuân Lợi, Nguyễn Văn Chức… cũng có những tác phẩm giàu chất thơ, tha thiết niềm yêu quê nhà. Trong khoảng không gian, thời gian cận kề giữa chiến tranh và hòa bình, một số nhà thơ đã có những góc nhìn quay lại với quá khứ bằng một cảm thức tự hào với quê hương và bày tỏ sự tin yêu cuộc sống trên vùng đất này.
Cho dẫu “Khát vọng hòa bình” đa phần đều viết về chiến tranh, một cuộc chiến tranh hủy diệt, tàn bạo mà quân đội Mỹ, Sài Gòn đã áp đặt lên Quảng Trị nhưng các tác giả qua những trang viết, thơ và văn đều thể hiện một tinh thần nhân ái, nhân bản và lòng bao dung của người Việt.
Bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của Nguyễn Hữu Quý như một bài “tổng kết” bằng hình ảnh của thơ khi nghĩ về chiến tranh, với những đồng đội đã nằm lại trên Trường Sơn của “Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng”, trong ước mơ cháy bỏng của “Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!”. Và đó cũng là khát vọng hòa bình của văn chương Quảng Trị, là một thông điệp về tự do, một cuộc sống bình an muốn gửi đến cho mọi người, cho thế giới.
Nhà thơ Nguyễn Duy là người có nhiều duyên nợ với Quảng Trị. Năm 1968, khi đang tham gia chiến đấu trên mặt trận Khe Sanh, làng Vây, anh đã đọc thơ từ đường dây thông tin của mặt trận Quảng Trị về Tòa soạn Báo Văn Nghệ.
Chùm thơ này sau đó được đăng tải và đoạt Giải thưởng Báo Văn Nghệ, một giải thưởng giá trị thời đó. Sự vắng mặt của Nguyễn Duy trong “Khát vọng hòa bình” cũng là một điều đáng tiếc. Nhưng đây mới chỉ là tập 1, hy vọng trong những tập kế tiếp sẽ có mặt nhà thơ Nguyễn Duy cùng một số tên tuổi trong làng văn Việt.
Hồ Sĩ Bình