Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, sự bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Song ngành nông nghiệp đã đồng hành với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra, khẳng định vị thế là “bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh – Ảnh: TRẦN THANH
Năm 2023, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trên toàn tỉnh đạt 54.436 ha (đạt 102,1% so với kế hoạch), sản lượng lương thực đạt trên 309.193 tấn (đạt 118,9% so với kế hoạch). Diện tích gieo trồng lúa trên 50.222 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao 41.000 ha, chiếm trên 80% diện tích gieo cấy.
Diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn đạt 13.000 ha, hơn 1.784 ha liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Năng suất lúa toàn tỉnh đạt 58 tạ/ha, cao hơn 11,3 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng lúa đạt 291.297,9 tấn (đạt 117,37% so với kế hoạch).
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa thiếu nước, hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng cạn khác, như: dưa hấu, ngô, đậu xanh…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang cây trồng cạn được 280 ha. Các cây trồng chuyển đổi nhìn chung sinh trưởng phát triển tốt, hiệu quả cao hơn 1,5 – 2 lần so với trồng lúa.
Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học. Toàn tỉnh hiện có 697 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, chăn nuôi quy mô lớn có 23 trang trại, trên 70 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp.
Việc thu hút đầu tư trong năm 2023 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm đã có 11 hồ sơ dự án của các doanh nghiệp xin UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, dự án trang trại chăn nuôi kết hợp nông nghiệp công nghệ cao trồng dược liệu của Công ty TNHH Solar Kesap1 tại Hướng Linh- Hướng Hóa (quy mô 12.000 con lợn thịt) đã hoàn thiện. Đây là dự án chăn nuôi công nghệ cao lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, công tác thực hiện quy định chống khai thác IUU đạt được kết quả tích cực, không có tàu cá và ngư dân Quảng Trị vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉ lệ tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản và lắp thiết bị giám sát hành trình vượt bộ tiêu chí chấm điểm tối đa của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tình hình an ninh trật tự trên biển được giữ vững.
Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt trên 36.724,4 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 28.073,1 tấn, sản lượng nuôi trồng trên 8.651,3 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 3.393 ha, toàn tỉnh có khoảng 107 ha nuôi thủy sản công nghệ cao.
Xác định quản lý rừng theo hướng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế là sự cần thiết của phát triển lâm nghiệp, ngành nông nghiệp đã kịp thời hỗ trợ hướng dẫn các chủ rừng, đánh giá hằng năm để duy trì và mở rộng diện tích đã cấp chứng chỉ rừng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị tham gia quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, trong đó diện tích đã được cấp chứng chỉ (FSC, VSCF, PEFC) trên 22.165 ha.
Đối với lĩnh vực phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 69/101 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Cam Lộ cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung trung hoàn thiện tiêu chí, thủ tục, hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được chỉ đạo triển thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để đạt được những kết quả trên, Ban Chấp hành Đảng bộ sở đã lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT lần thứ VII nhiệm kỳ 2020- 2025.
Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các đoàn thể nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự đoàn kết thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xây dựng, thực hiện tốt chế độ, trách nhiệm, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, sách nhiễu, tiêu cực; sâu sát, gần gũi Nhân dân.
“Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát và xử lý nghiêm, có hiệu quả những vụ việc tồn động, gây bức xúc trong đảng viên, quần chúng; chú ý đến nội dung có hay không có biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” để chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục kịp thời.
Đồng thời, xem xét những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác để giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng trong đảng bộ, chi bộ cơ quan, đơn vị và đề nghị cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, địa phương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT. Đẩy mạnh phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới”, ông Hồ Xuân Hòe cho biết thêm.
Trần Thanh