Năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh; giá cả các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất, thức ăn chăn nuôi tăng cao; thị trường tiêu thụ khó khăn. Nhưng với sự quyết liệt trong tổ chức sản xuất, sự chủ động của nông dân, nhiều mục tiêu cơ bản của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần ổn định kinh tế – xã hội trên địa bàn, tiếp tục khẳng định vị thế là “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới đạt chứng nhận hữu cơ của trang trại Dfarm Quảng Trị – Ảnh: L.A
Với mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2023, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng – sản xuất – chế biến – tiêu thụ, ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững.
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt đã tập trung tổ chức lại theo hướng chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng chất lượng cao, tập trung ruộng đất, sản xuất cánh đồng mẫu lớn…; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên gắn với liên doanh, liên kết.
Đến năm 2023, diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng hữu cơ và một số quy chuẩn an toàn đạt trên 1.100 ha. Trong đó có khoảng 346 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và canh tác tự nhiên; 502,5 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 94 ha lúa theo hướng VietGap; 160 ha lúa sản xuất an toàn thực phẩm. Để phục vụ cho sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động hoàn thiện hệ thống tưới tiêu trên 85% diện tích gieo cấy lúa 2 vụ.
Chăn nuôi đang chuyển dần từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Tỉ trọng giá trị ngành chăn nuôi ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 697 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 444 trang trại so với năm 2020. Trong đó, chăn nuôi quy mô lớn có 23 trang trại, chăn nuôi quy mô vừa có 209 trang trại, chăn nuôi quy mô nhỏ có 465 trang trại. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có trên 70 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thủy sản đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đa dạng đối tượng và phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, tăng năng lực bảo quản, chế biến. Đồng thời tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá và chú trọng phát triển mô hình liên kết giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 ha nuôi tôm công nghệ cao; 191 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được trang bị ngư lưới cụ phù hợp với ngư trường, lắp đặt đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, giám sát hành trình tàu cá. Công tác tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được đảm bảo.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm đầu tư, phát triển; rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ tốt. Năng suất, chất lượng giá trị gỗ rừng trồng được nâng cao; quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC được nhân rộng; đẩy mạnh chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển của công nghiệp chế biến gỗ.
Hiện nay, Quảng Trị trở thành một trong những tỉnh nằm tốp đầu cả nước về trồng rừng có chứng chỉ với diện tích khoảng 20.150 ha và 13.600 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trong tổng số 95.674 ha rừng trồng sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã và đang có chỗ đứng khá ổn định trên thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như gạo hữu cơ, hồ tiêu, cà phê, gỗ nguyên liệu, dược liệu…
Đến nay, toàn tỉnh đã có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 58 chủ thể OCOP có 16 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 22 hộ sản xuất, kinh doanh.
Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có trên 95% sản phẩm OCOP được đưa lên giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, shopee, lazada, alibaba và các nền tảng mạng xã hội khác như facebook, zalo, tiktok…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến đời sống và tình hình sản xuất, nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự chủ động của nông dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng nông – lâm- thủy sản năm 2023 đạt 5,41%.
Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 30,59 vạn tấn, đạt 117,65% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 59.000 tấn, đạt 101% kế hoạch. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 49,8%; diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 10.040 ha, đạt 133,8% kế hoạch.
Dự kiến đến quý I/ 2024, toàn tỉnh có 74/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 73,27%; trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỉ lệ 11,8%.
Các huyện Hải Lăng, Triệu Phong cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận.
Ông Hồ Xuân Hòe cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, toàn ngành đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững.
Chú trọng phát triển sản xuất và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản, chứng nhận, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh…
Lê An