Cảnh sắc thiên nhiên của Quảng Trị khiến du khách thay đổi cách nhìn về vùng đất từng mưa bom bão đạn một thời.
Vùng đất Quảng Trị được biết đến là nơi đặt vĩ tuyến 17, giới tuyến quân sự Bắc – Nam tạm thời và là nơi lưu dấu nhiều di tích của cuộc kháng chiến dân tộc. Ngày nay, Quảng Trị sở hữu tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử với những địa danh đã đi vào lịch sử như địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Đường Chín – Khe Sanh, Đường Hồ Chí Minh; Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Bên cạnh đó, thiên nhiên Quảng Trị cũng thay mình với non nước hữu tình, núi cao, biển rộng, trở thành địa điểm du lịch nhiều tiềm năng để du khách khám phá.
Là người con Quảng Trị, Trần Minh Hiếu, hiện làm tour guide, cho biết quê hương anh có những địa điểm mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, góp phần tạo nên vẻ đẹp đa dạng cho thiên nhiên Việt Nam. Đây đều là những địa điểm miễn phí, du khách có thể đến vào nhiều thời điểm trong năm.
Đến Quảng Trị vào mùa hè, anh Hiếu gợi ý du khách nên đến bãi biển Triệu Lăng thuộc xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, cách TP Đông Hà khoảng 20km. Biển Triệu Lăng có bãi cát bằng và nước cạn, khung cảnh lúc bình minh tựa như bãi biển vô cực được nhiều người yêu thích trong những năm gần đây. Mặt biển phẳng lặng soi bóng màu trời, những con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi mang tôm, cá về. Khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng nhưng trở nên rực rỡ, sống động dưới những tia nắng đầu ngày.
Hoạt động đánh bắt và thu hoạch cá của ngư dân xã Triệu Lăng diễn ra vào sáng sớm trước bình minh. Không nhộn nhịp như chợ cá Tam Tiến ở Quảng Nam, Triệu Lăng mang đến cho du khách cảm nhận về một vùng biển có nhịp sống chậm rãi và bình lặng.
“Triệu Lăng thích hợp cho những du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn, lắng nghe tiếng sóng, vùi chân vào cát mịn hay tận hưởng nắng, gió của một miền biển trong lành”, anh Hiếu nói.
Bãi biển Triệu Lăng nằm gần hồ sen thôn An Lưu và Thành cổ Quảng Trị, anh Hiếu gợi ý du khách có thể kết hợp ghé thăm trong lịch trình buổi sáng.
Tháng 11/2021, 19 dự án điện gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa đi vào hoạt động, đưa nơi này trở thành “thung lũng gió”. Phần lớn các trụ điện gió nằm trên đỉnh các ngọn đồi, cùng với địa hình huyện Hướng Hóa là vùng cao của Quảng Trị, cánh đồng điện gió xã Hướng Linh trở thành địa điểm check in và săn mây lý tưởng.
Các doanh nghiệp đã mở những con đường lớn trong quá trình thi công dự án nên việc di chuyển đến đây khá thuận tiện. Để ngắm được toàn cảnh cánh đồng điện gió xã Hướng Linh, du khách có thể di chuyển lên đỉnh đồi Cu Vơ cũng nằm trong địa bàn huyện Hướng Hóa.
Đỉnh Cu Vơ có độ cao khoảng 1.617m so với mực nước biển, được những du khách từng ghé thăm mệnh danh là nơi ngắm mặt trời đẹp nhất Quảng Trị.
Trong các chuyến đi, anh Hiếu thường đến đây cắm trại vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn và săn mây vào sáng sớm hôm sau. Hoàng hôn trên đỉnh Cu Vơ là một màu vàng, cam rực rỡ lan dần trên nền trời xanh sẫm. Những tia nắng cuối ngày rút qua xóm, làng dưới chân núi rồi khuất sau chân trời phía xa, báo hiệu kết thúc một ngày.
Mùa hè, thời tiết trên đỉnh Cu Vơ mát mẻ, không khí thoáng đãng và trong lành. Ban đêm, bầu trời sao và những tiếng côn trùng râm ran sau những bụi cây, rặng cỏ sẽ khiến du khách cảm nhận rõ rệt hơn thiên nhiên hoang sơ của xã miền núi này.
Phần thưởng vào sáng sớm hôm sau cho du khách là biển mây trắng xốp như bông gòn. Từng lớp mây dày đùn lên, trùm qua cảnh vật phía dưới, trải dài vô tận. Khoảnh khắc bình minh, ánh nắng đầu ngày rải lên biển mây một màu vàng nhạt rồi đậm dần cho đến khi mặt trời nhô hẳn lên cao.
Theo kinh nghiệm của anh Hiếu, biển mây thường xuất hiện vào những ngày có độ ẩm cao, bắt đầu từ trước bình minh và kéo dài trong khoảng 30 phút. Để săn mây thành công, du khách nên kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi.
Nằm dưới chân đỉnh Cu Vơ, hồ thủy điện Rào Quán khiến anh Hiếu bất ngờ ngay lần đầu tiên đến bởi khung cảnh tựa như vùng Trung Á với dòng nước uốn lượn chảy qua rừng cây khô. Vào mùa khô, mực nước cạn, hồ như một “ốc đảo” bình yên, được phủ màu xanh mát mắt của cây cối, núi rừng.
Hồ Rào Quán có dung tích khoảng 163 triệu m3, nằm ở khu vực thượng nguồn sông Thạch Hãn trên địa phận huyện Hướng Hóa. Bên bờ hồ có một cái cây lớn, thường được gọi là “Cây cô đơn” với hậu cảnh là núi đồi và những cánh quạt gió khổng lồ đang chầm chậm quay cũng là một điểm check in nổi tiếng ở đây.
Nếu yêu thích các tour du lịch sinh thái cộng đồng, du khách có thể đến thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, để trekking thác Chênh Vênh, kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều.
Thác Chênh Vênh nằm trong rừng Chênh Vênh trên địa bàn thôn cùng tên. Dọc con suối dẫn lên thác là những tảng đá lớn lấn sâu vào lòng suối. Hai bên bờ là “bức tường đá” màu xám nâu với những khóm cây phủ xuống. Đường mòn vào thác đã được phát quang để thuận tiện cho du khách tham quan.
Du khách đến đây có thể nghỉ lại tại xóm Rờ Vê do người dân thôn Chênh Vênh quản lý để tìm hiểu thêm văn hóa của người dân bản địa.
Ngoài thác Chênh Vênh, du khách có thể đến khám phá thác Tà Puồng và Bản văn hóa Tà Puồng với những nếp nhà sàn yên bình của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều.
Hệ thống thác Tà Puồng bao gồm thác Tà Puồng 1, cao khoảng 30 – 35 m, có lưu lượng nước lớn quanh năm. Cách thác Tà Puồng 1 về hạ lưu khoảng 20 phút đi bộ là thác Tà Puồng 2 (ảnh). Du khách có thể ngâm mình dưới hồ nước mát, rộng khoảng 5.000 m2 nằm dưới chân thác.
Hiện khu vực này chưa được khai thác du lịch nên vẫn giữ được khung cảnh hoang sơ để du khách trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên.
Quỳnh Mai
Ảnh: Trần Minh Hiếu
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị