Trải qua hàng chục năm sử dụng, tuyến kênh thủy lợi N1-11A đi qua địa bàn xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong hiện đã xuống cấp nặng nề. Tuyến kênh bị hư hỏng đã không còn phát huy công năng tưới tiêu cho đồng ruộng, rất cần được các cấp, ngành quan tâm, sớm có biện pháp khắc phục để giúp nông dân sản xuất thuận lợi.
Tuyến kênh N1-11A phục vụ tưới tiêu cho khoảng 100 ha lúa của người dân xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong đã xuống cấp trầm trọng – Ảnh: Đ.V
Theo chân ông Lê Văn Biểu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Triệu Thuận, chúng tôi đi khảo sát thực tế tuyến kênh thủy lợi N1-11A – là một trong hai tuyến kênh chính quan trọng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 100 ha lúa của người dân xã Triệu Thuận. Tuyến kênh này có chiều dài khoảng 2 km, được xây dựng cách đây khoảng 30 năm.
Qua thời gian dài sử dụng, tuyến kênh đã ngày càng xuống cấp, nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây. Quan sát thực tế tại tuyến kênh này, chúng tôi nhận thấy hầu hết tuyến kênh đã bị bục các mạch vữa hai bên vách kênh; mặt đáy kênh bị thủng nhiều chỗ; xuất hiện nhiều điểm thủng lớn trên vách kênh; các thanh giằng ngang kênh, miệng cống, nắp cống dẫn nước ra ruộng dọc theo tuyến kênh đã bị nứt nẻ, rơi rụng xi măng từng mảng…
“Hằng năm vào khoảng tháng 9, tháng 10 khi mùa mưa lũ xảy ra, nước đổ về mạnh đã làm tuyến kênh vốn đã xuống cấp sẵn càng hư hỏng nặng thêm. Những vị trí kênh bị thủng thường bị xói lở nặng, đe dọa cuốn trôi những đoạn kênh ở khu vực xung yếu. Cũng vì kênh xuống cấp nên lượng nước thất thoát ra ngoài rất lớn. Gia đình tôi làm 2 mẫu ruộng, cứ đến thời điểm làm đất, gieo sạ hay cắt nước để thu hoạch lúa đều bị ảnh hưởng việc tưới tiêu do nguồn nước lưu chuyển trên tuyến kênh này không ổn định”, ông Trương Thành Vinh, người dân thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận vừa chỉ vào đoạn kênh chi chít lỗ thủng, than thở.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến kênh, sau đợt mưa lũ lớn năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ, một số đoạn ngắn của tuyến kênh đã được sửa chữa. Tuy vậy, sự khắc phục này cũng chỉ mang tính tạm thời.
“Đặc biệt vụ đông xuân năm 2023, sau một đợt mưa lũ khá lớn đã làm trôi hoàn toàn đoạn kênh dài khoảng hơn 20 m. Để kịp thời phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, HTX đã đầu tư hàng chục triệu đồng khẩn trương xây dựng đoạn kênh trong khoảng 1 tuần mới xong”, ông Biểu cho hay.
Ngoài các đợt sửa chữa nêu trên thì những năm gần đây, hằng năm HTX Nông nghiệp Triệu Thuận đều đầu tư kinh phí mỗi năm từ 15- 20 triệu đồng để thuê thợ trét xi măng, sửa chữa nhỏ những đoạn kênh bị thủng nặng gây thất thoát nước. Thậm chí, nhiều điểm do vách kênh bị thủng nhiều quá, cán bộ HTX, thủy nông viên còn dùng túi ni lông bịt lỗ thủng để hạn chế nước thất thoát ra bên ngoài.
Theo ông Biểu, hiện nay do tuyến kênh đã hầu như xuống cấp toàn bộ nên tỉ lệ thất thoát nước thủy lợi ra bên ngoài khá lớn, gây thiếu nước sản xuất cho hàng chục héc ta ở khu vực cuối nguồn tuyến kênh. Vào vụ hè thu hằng năm, HTX phải huy động máy bơm bơm dồn nước vào kênh đẩy xuống phía cuối nguồn để người dân đủ nguồn nước sản xuất kịp thời vụ.
Thời gian qua, HTX đã nhiều lần họp bàn kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh nhưng do chưa có kinh phí nên không thể triển khai. HTX cũng đã làm tờ trình gửi huyện và Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn, báo cáo thực trạng xuống cấp của tuyến kênh, xin hỗ trợ kinh phí sửa chữa để phục vụ sản xuất trước mắt cho người dân.
“Để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng của địa phương về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ xây dựng mới tuyến kênh này. Nếu không sớm có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả hoặc xây dựng mới tuyến kênh thì nguy cơ những vụ mùa sau sẽ có trên 40 ha lúa của địa phương thiếu nước tưới nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu vực cuối nguồn”, ông Biểu kiến nghị.
Đức Việt