Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn không chỉ giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên địa bàn huyện Gio Linh.
Trang trại chăn nuôi gà gia công của anh Lê Thiên Vương, xã Gio Châu, huyện Gio Linh có quy mô khá lớn -Ảnh: T.T
Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Gio Linh, lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỉ trọng hơn 25%. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chăn nuôi phát triển chưa đúng với tiềm năng và lợi thế, chủ yếu theo hướng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện chỉ có 101 trang trại chăn nuôi, trong đó có 84 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và 17 trang trại chăn nuôi quy mô vừa. Có rất ít số hộ chăn nuôi có số lượng vật nuôi đáp ứng quy mô trang trại.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Lê Thiên Vương, ở thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh là một trong những mô hình chăn nuôi có quy mô khá lớn hiện nay. Năm 2019, anh Vương đầu tư khoảng 350 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà gia công trên diện tích đất trồng cây cao su của gia đình, liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star.
Ban đầu anh thả nuôi khoảng 4.000 con gà/lứa, đến nay, trang trại gà của anh thường xuyên duy trì 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa. Anh Vương chia sẻ: “Tham gia liên kết chăn nuôi, chủ trang trại chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống chuồng trại, công chăm sóc theo quy chuẩn, còn phía công ty sẽ cung ứng từ con giống, nguồn thức ăn đến chuyển giao kỹ thuật, vật tư chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Mô hình chăn nuôi liên kết có nhiều thuận lợi, tuy nhiên muốn mở rộng quy mô thì phải có quỹ đất, trong khi đây là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ chăn nuôi hiện nay”.
Xã Gio Châu hiện có 2 mô hình chăn nuôi gà thịt liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star, cho hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần so với các mô hình chăn nuôi thông thường.
Theo Chủ tịch UBND xã Gio Châu Hồ Văn Thanh, khó khăn nhất hiện nay là xã chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng khu vực phát triển chăn nuôi tập trung. Các hộ chăn nuôi có quy mô tương đối lớn trên địa bàn xã đang tận dụng diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để phát triển trang trại, điều này chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng trong tình hình khó khăn chung hiện nay cần hướng dẫn người dân phát triển kinh tế trên cơ sở tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Những năm gần đây, huyện Gio Linh tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn, kết hợp chăn nuôi công nghiệp với chăn nuôi truyền thống, tích cực cải tạo tầm vóc đàn bò theo hướng zêbu hóa. Theo thống kê, năm 2023, tổng đàn trâu 2.750 con, đàn bò 7.825 con, đàn lợn 27.599 con, đàn gia cầm 426.400 con. Chương trình zêbu hóa đàn bò tiếp tục thực hiện, tổng số bò cái phối giống trên địa bàn huyện đến nay là 1.636 con, trong đó, phối giống bằng giống bò zêbu 631 con, phối giống bằng giống bò chuyên thịt (3B, Brahman) 1.005 con.
Tuy nhiên, hiện nay huyện là vẫn chưa quy hoạch được quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung, ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi và việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh).
Trên địa bàn 2 thị trấn Gio Linh và Cửa Việt chưa có quy hoạch quỹ đất để phát triển chăn nuôi, do đó chưa giải quyết được việc các hộ muốn di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi có số đầu gia súc đạt tiêu chí trang trại theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP vẫn còn nằm trong khu dân cư, chưa đảm bảo các tiêu chí trang trại theo quy định.
Một vấn đề khó khăn khác mà rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang gặp phải là thiếu vốn sản xuất. Để đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn, gà với quy mô lớn, nông dân phải chi phí hàng tỉ đồng, nhưng vay vốn ngân hàng rất khó khăn, nhiều hộ phải vay ở ngoài với lãi suất cao nên các hộ ngại đầu tư vào khu chăn nuôi tập trung.
Để chăn nuôi trang trại phát triển, trong thời gian tới, địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi đất sản xuất không hiệu quả sang chăn nuôi. Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, đồng thời tăng cường kêu gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bên ngoài vào đầu tư trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng chăn nuôi trang trại, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại liên kết với các doanh nghiệp. Hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để được công nhận đủ điều kiện sản xuất trang trại chăn nuôi.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi, khuyến khích các hộ tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, quy mô lớn. Mặt khác, cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án chăn nuôi quy mô lớn tại địa phương.
Thanh Trúc