Những năm qua, huyện Hướng Hóa luôn chú trọng đến việc hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân tăng cường đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều hình thức và được người dân hưởng ứng tích cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng ở địa phương.
Người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hướng Sơn, Hướng Hóa sử dụng máy làm đất để sản xuất lúa nước – Ảnh: N.T
Hướng Sơn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, có diện tích lúa nước lớn nhất trong toàn huyện, với diện tích gần 200 ha. Những năm trở lại đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này đã tìm tòi, học hỏi, đưa máy móc cơ giới vào sản xuất lúa nước, đem lại hiệu quả cao, nhất là tiết kiệm được công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với 100% hộ dân làm lúa nước thì hầu hết bà con đều sử dụng máy phay ruộng, máy đùn lúa, máy xay xát lúa. Bình quân mỗi thôn, bản ở xã có ít nhất 3 loại máy phục vụ sản xuất như máy tuốt lúa, máy cày đất và máy xay xát được người dân tự trang bị vừa phục vụ việc sản xuất của gia đình vừa làm dịch vụ cho thuê.
Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Lê Trọng Tường cho biết: “Với đặc thù chuyên canh cây lúa nước nên người dân địa phương rất chủ động trong việc ứng dụng máy móc vào sản xuất. Bà con tự vay vốn để mua sắm, tự tìm tòi nghiên cứu để sử dụng và tự học để sửa chữa máy móc khi hư hỏng. Nhờ ứng dụng tốt việc cơ giới hoá nên năng suất, chất lượng lúa nước được nâng lên.
Chính quyền địa phương đã khảo sát và đề xuất, đang chờ được cấp một số máy móc làm đất hỗ trợ cho người dân từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục tuyên truyền, vận động, tập huấn hướng dẫn người dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động”.
Hiện nay, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất ở Hướng Hóa chủ yếu như cày đất tập trung ở các xã có diện tích sắn, cao su lớn như Lìa, Thuận, Thanh, A Dơi; máy móc phục vụ cày đất làm lúa nước, đùn lúa, tuốt, xay xát lúa tập trung ở các xã có diện tích lúa nước lớn như Hướng Sơn, Hướng Tân, Húc, một số xã dọc đường Chín.
Ngoài ra, các loại máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cán cỏ làm thức ăn gia súc, máy và thiết bị cho ăn, uống bán tự động cho gia súc, gia cầm, hệ thống tưới nước nhỏ giọt… được sử dụng phổ biến ở nhiều địa phương.
Riêng đối với các vùng chuyên canh cây cà phê, ngoài ứng dụng máy móc trong làm đất thì các hộ kinh doanh, hợp tác xã đều lắp đặt các loại máy móc vào dây chuyền sản xuất, như máy và thiết bị sấy, xay xát, chế biến cà phê. Bên cạnh khâu làm đất, thu hoạch, chế biến thì khâu vận chuyển sản phẩm nông nghiệp hiện nay cũng được cơ giới hoá hoàn toàn.
Thông qua các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật của các cấp hội nông dân tổ chức cũng như các kênh khác như sách báo, internet và học tập các mô hình điểm ở các địa phương khác, người dân ở Hướng Hóa rất chủ động trong việc tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các nguồn vốn vay ưu đãi để trang bị máy móc phù hợp với mô hình sản xuất của gia đình.
Mặt khác, từ năm 2022 – 2023, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nông dân các xã vùng khó trên địa bàn huyện được hỗ trợ thêm một số máy móc phục vụ sản xuất, dần nâng cao tỉ lệ cơ giới hoá được áp dụng tại địa phương.
Đến nay, tỉ lệ cơ giới hoá được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở huyện ước đạt 45 – 50%. Nhờ chủ động thực hiện cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện đã dần ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giảm đáng kể chi phí công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng, làm tăng lợi nhuận trong sản xuất, hướng đến một nền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Cơ giới hoá cũng góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi các tập tục canh tác lạc hậu cho năng suất thấp.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hoá Hoàng Đình Bình cho biết: “Để nâng cao tỉ lệ ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện các phương án sát thực với địa phương, như: đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn để có điều kiện đầu tư trang thiết bị máy móc vào sản xuất; tập trung ưu tiên phát triển cơ giới hóa đối với vùng cây trồng, vật nuôi có diện tích lớn, có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định. Chú trọng phát triển cơ giới hóa ở các khâu cơ bản, thời vụ khẩn trương, các khâu chuẩn bị và thu hoạch.
Tăng nhanh thiết bị kỹ thuật trong nông nghiệp để các khâu sản xuất đều cơ bản được cơ giới hóa. Nâng cấp kết cấu hạ tầng phù hợp với việc đưa máy móc canh tác vào phục vụ sản xuất như: đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn bao gồm: quy hoạch, cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn…”.
Ngọc Trang