Xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị là mong muốn của nhiều người. Việc xây dựng thành phố hòa bình ở Quảng Trị sẽ đem lại những lợi ích, ý nghĩa như thế nào, TS Nguyễn Ái Học, Viện trưởng TCE (Phát triển Công nghệ và Văn hóa – Giáo dục) phần nào giải đáp qua nội dung bài phỏng vấn; đồng thời, sẽ được làm rõ trong tọa đàm khoa học với chủ đề “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2024.
– Thưa TS Nguyễn Ái Học, Quảng Trị đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện “Lễ hội Vì hòa bình năm 2024” vào tháng 7 tới. Ngày 30/6, Viện TCE tổ chức Tọa đàm khoa học “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị”. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Ái Học: Cảm ơn vì bạn đã đặt câu hỏi. Trước khi TCE chuẩn bị tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” chúng tôi không hề biết thông tin về “Lễ hội Vì hòa bình 2024” sẽ được tổ chức tại Quảng Trị.
Công việc của chúng tôi là hoạt động từ một nung nấu đã có từ lâu của một nhóm người. Tuy nhiên, khi được biết thông tin này, chúng tôi cảm thấy có duyên gặp gỡ. Công việc của chúng tôi cùng chung một ý hướng, chung một tình yêu với mọi người. Đó là tình yêu Quảng Trị, tình yêu Việt Nam, bao trùm lên tất cả là tình yêu hòa bình. Thật ý nghĩa!
TS Nguyễn Ái Học, Viện trưởng TCE.
– Ông có thể nói thêm về mục đích, nội dung cuộc tọa đàm này của TCE?
TS Nguyễn Ái Học: Có thể nói thế này: Ước mơ lớn của chúng tôi và tôi tin chắc là của nhiều người là có một thành phố hòa bình “mọc” trên đất Quảng Trị. Thế nào là thành phố hòa bình? Tại sao phải là “mọc” trên đất Quảng Trị?
Nội dung trả lời những câu hỏi này sẽ nằm trong bản tham luận của các nhà khoa học – nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu địa lí, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu chính trị, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu tâm linh… trong hội thảo khoa học toàn quốc về xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Còn mục đích của cuộc tọa đàm lần này là nhằm xin ý kiến của các học giả, các nhà khoa học, những người yêu Quảng Trị… về ý tưởng và cách thức tổ chức hội thảo khoa học của chúng tôi.
– Trong khi chờ tham luận của các nhà khoa học ở hội thảo, xin ông cho biết ý kiến cá nhân ông về một thành phố hòa bình “mọc” trên đất Quảng Trị?
TS Nguyễn Ái Học: Theo tôi, trong sự phát triển và hội nhập của Việt Nam hôm nay, một thành phố hòa bình “mọc” trên đất Quảng Trị sẽ mang lại nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Đây là nơi hội tụ tâm linh, nơi người Việt Nam biểu thị lòng hướng vọng, đền ơn, đáp nghĩa cho đồng bào, đồng chí, đồng đội… của mình đã hy sinh. Nơi đây sẽ có không gian “hương khói” trong hòa bình, nhân ái cho tất cả linh hồn những ai đã nằm lại dưới lòng đất Quảng Trị nói riêng và dưới lòng đất Việt Nam nói chung.
Đây là một trong những địa chỉ thiêng liêng của thế giới tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, kết nối hòa bình của nhân loại. Điểm hội tụ như vậy tạo nên một nguồn năng lượng tích cực vô cùng lớn lao, làm điểm tựa vững chắc cho sự trường tồn, phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt.
Tôi tin chắc rằng, nếu có một thành phố hòa bình “mọc” trên đất Quảng Trị thì người dân Quảng Trị (vốn chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi …) sẽ được hưởng nhiều lợi ích về kinh tế du lịch và nhiều lợi ích khác.
Di tích Thành cổ Quảng Trị.
– Có vẻ như sự kiện Tọa đàm “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” của TCE có sự khác biệt so với sự kiện “Lễ hội vì hòa bình năm 2024” sắp diễn ra tại Quảng Trị phải không, thưa ông?
TS Nguyễn Ái Học: Có sự khác biệt cũng là điều dễ hiểu. Hoạt động của TCE nghiêng về hoạt động khoa học, nằm trên lộ trình ra đời một thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị “bằng xương, bằng thịt”. “Lễ hội Vì hòa bình năm 2024” sắp diễn ra tại Quảng Trị là lễ hội văn hóa. Ngoài phần nghi lễ thiêng liêng, người tham gia “Lễ hội Vì hòa bình năm 2024” còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa…
– Thưa TS Nguyễn Ái Học, ngoài một “địa danh tâm linh” như chúng ta dễ thấy khi nhìn về lịch sử của Quảng Trị, nơi đây còn có những tiềm năng lợi ích nào khác gợi cảm hứng đưa ra ý tưởng về một thành phố hòa bình?
TS Nguyễn Ái Học: Tất nhiên là có. Quảng Trị có nhiều tiềm năng gợi nhiều cảm hứng cho chúng ta khi hình dung về một thành phố hòa bình “mọc” lên nơi đây. Tuy nhiên, trong một trao đổi ngắn như thế này chúng ta không nói hết được.
Quảng Trị có ưu thế về con người. Người Quảng Trị thông minh, giỏi chịu đựng, mạnh mẽ, kiên gan, quyết liệt. Điều đó đã được thử thách trong nhiều cuộc chiến tranh của dân tộc, thử thách nơi chiến trường ác liệt ngay trên mảnh đất quê hương họ – một định danh đã vĩnh viễn đi vào lịch sử: “Chiến trường Quảng Trị”. Vậy thì khó khăn trong lao động dựng xây “không là gì” đối với họ. Về địa lý – lịch sử – giao thông, Quảng Trị có rất nhiều thuận lợi cho việc xây dựng thành phố cũng như phát triển giá trị nhiều mặt khi thành phố hòa bình “mọc” lên.
Nghĩa trang Trường Sơn – nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ.
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Quảng Trị giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác Biển Đông, giao lưu giữa hai miền Bắc – Nam của đất nước cũng như lưu thông thuận lợi với các nước phía tây bán đảo Đông Dương, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Qua địa phận Quảng Trị có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 9 gắn với đường Xuyên Á, qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào… cho phép Quảng Trị có thể giao lưu kinh tế tốt với các tỉnh trong vùng và cả nước. Quảng Trị có cảng Cửa Việt là một trong những cảng biển có thể phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua đường Xuyên Á.
Cách không xa trung tâm Quảng Trị có sân bay Phú Bài – Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km) và ngay trên đất mình, Quảng Trị đang xây dựng sân bay. Là một tỉnh nhỏ nhưng Quảng Trị có nhiều sông ngòi, với 7 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Xê Pôn và sông Sê Păng Hiêng. Ngoài việc khai thác thủy điện, hệ thống sông ngòi ở Quảng Trị còn thể hiện sự mỹ lệ của thiên nhiên, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, gợi nhiều cảm xúc cho một thành phố hòa bình.
Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh tự nhiên, di tích lịch sử chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch. Các địa danh thuận lợi cho khai thác nhờ ở sự phân bố rộng khắp trên các địa bàn trong tỉnh và gần các trục giao thông chính.
Đó là các địa danh, như: đảo Cồn Cỏ – Hòn Ngọc giữa Biển Đông, sân bay Tà Cơn, giếng cổ Gio An, cầu treo Đakrông, đường mòn Hồ Chí Minh, Thành cổ Quảng Trị (gắn liền với chiến dịch mùa hè 1972), Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, căn cứ Khe Sanh, căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu, hàng rào điện tử McNamara, bãi tắm Cửa Tùng, biển Mỹ Thủy, biển Cửa Việt, thánh địa La Vang…
Tiềm năng và ưu thế là vậy, nhưng nói như nhà văn lão thành Ngô Thảo trong một lần tâm sự với chúng tôi rằng “muốn một công trình quốc gia thơ mộng “mọc” lên ở hai bờ sông Hiền Lương – Vĩ tuyến 17, từ biển Cửa Tùng lên đầu nguồn sông, rất cần thêm một đầu óc lãng mạn”.
Tôi nghĩ, gia tăng “lãng mạn” cho Quảng Trị, cho thêm “hoa nở chim kêu” trên một mảnh đất đã từng chịu quá nhiều hậu quả do tiếng súng là rất cần thiết, là công việc hợp “lẽ đời”, “lẽ đạo” của tất cả mọi người chúng ta, phải không anh? “Nghiên cứu về “thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” còn dài, xin hẹn các bạn trao đổi thêm ở một dịp khác.
– Vâng, xin chúc ước mơ về một thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị của TS Nguyễn Ái Học, của TCE, của những người yêu Quảng Trị, yêu hòa bình sớm thành sự thật.
Theo báo Công an nhân dân online
Nguồn: https://baoquangtri.vn/huong-den-xay-dung-thanh-pho-hoa-binh-tren-dat-quang-tri-186604.htm