Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tính đến nay toàn tỉnh đã trồng được 11.000 ha sắn, đạt 104,7% kế hoạch. Giống được trồng chủ yếu là KM94 (hơn 90%) và một số ít các giống khác như STB1, DT4… Tuy nhiên, qua điều tra đồng ruộng hiện toàn tỉnh có hơn 860 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, trong đó nhiễm nặng 184 ha, cao hơn so với năm 2023 gần 760 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện: Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Đakrông và thị xã Quảng Trị. Tỉ lệ bệnh phổ biến từ 5% – 10%, nơi cao từ 30% – 40%, cục bộ có diện tích tỉ lệ nhiễm lên đến 70% – 90%.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trần Minh Tuấn, năm 2024 bệnh khảm lá sắn có xu hướng tăng cao, gây hại nhiều nơi. Nguyên nhân chủ yếu do người dân sử dụng hom giống cây bệnh để trồng mới thay vì mua giống sạch bệnh để trồng. Những năm trước, một số địa phương có chính sách hỗ trợ người dân mua giống sạch bệnh nhưng năm nay không còn nữa, người dân không tái đầu tư cho niên vụ mới mà tận dụng nguồn giống tại chỗ nên bệnh đã phát sinh gây hại nhiều nơi.
Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng – Ảnh: L.A
Để chủ động phòng trừ bệnh khảm lá sắn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tăng cường tuyên truyền, tập huấn nông dân cách nhận biết triệu chứng bệnh, con đường lây lan và kỹ thuật phòng trừ. Hướng dẫn nông dân tại vùng nhiễm bệnh tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn sau thu hoạch đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh, không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên ruộng đồng hoặc trên các bờ thửa. Tăng cường các biện pháp chăm sóc và bón phân để giúp cây sắn sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh.
Khuyến cáo người dân tuyệt đối không được để giống, mua, bán từ những vùng trồng sắn đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đánh giá vùng giống sạch bệnh và thực hiện nhân giống nhằm cung cấp nguồn giống cho những năm tiếp theo.
Lê An