Sáng nay 5-9, các nhà trường cấp mầm non, phổ thông trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới theo tinh thần gọn nhẹ nhưng trang trọng và tươi vui.
Tại lễ khai giảng, thầy trò các trường chào cờ, hát Quốc ca và nghe đọc thư Tổng bí thư, Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh, sinh viên, học viên trên cả nước.
Sau khi đánh trống khai trường, các trường có những hoạt động khác nhau dành cho học sinh. Nhiều trường tổ chức phát động các chương trình có ý nghĩa vì cộng đồng, mang tính nhân văn, xem đây là chủ đề xuyên suốt của năm học. Cũng có trường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm gắn kết học sinh, khuyến khích học sinh thể hiện quyết tâm, động lực phấn đấu trong năm học mới…
Tại TP.HCM, trái với lo lắng của nhiều nhà trường về việc ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), thời tiết sáng 5-9 khá đẹp. Khi những ánh nắng ban mai đầu tiên xuất hiện, nhiều giáo viên và học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT đã vỗ tay vui mừng.
Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đến dự lễ khai giảng và trao thưởng cho những học sinh xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2024 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Tại Trường THCS Bình Trị Đông B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, hàng trăm học sinh đón chào năm học mới trong ngôi trường mới khang trang. Lễ khai giảng cũng đồng thời là lễ khánh thành trường.
Tham dự buổi lễ, chung vui cùng các thầy cô, học sinh có chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – chủ tịch UBND quận Bình Tân – cho biết Trường THCS Bình Trị Đông B là một trong 7 ngôi trường mới được quận Bình Tân đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025, gồm 5 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường mầm non.
Riêng Trường THCS Bình Trị Đông B được xây dựng trên diện tích 13.556m2, gồm 36 phòng học với 1.620 học sinh. Đây cũng là trường THCS đầu tiên trên địa bàn phường Bình Trị Đông B.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục quận Bình Tân, tổng số học sinh toàn quận dự kiến trong năm học tới là 124.237 em, tăng 3.455 học sinh. Nhờ đó, bậc tiểu học tại quận sẽ giảm sĩ số còn khoảng 37, 38 học sinh/lớp, còn cấp THCS khoảng 45 học sinh/lớp.
Biên phòng đến từng nhà, cõng học sinh qua suối, chở đến trường khai giảng
Tại 2 xã vùng núi Hướng Lập và Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), từ 5h30 sáng 5-9, gần 15 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập đi đến từng hộ dân để hỗ trợ đưa các cháu đến trường.
Tại 2 thôn Tà Pang và Cù Bai (xã Hướng Lập) có 120 học sinh tiểu học phải ra điểm trường chính ở trung tâm xã để khai giảng. Với các cháu ở cùng ông bà, bố mẹ đi làm xa, cán bộ biên phòng dùng xe máy đưa các em đến trường. Tại thôn Cù Bai, đường đến trường vượt qua suối Tà Leng, các chiến sĩ quân hàm xanh thay nhau cõng học sinh vượt suối, kịp lễ khai giảng.
Tại Trường THCS An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), do thời tiết xấu nên nhà trường dự phòng hai phương án khai giảng là che rạp ở ngoài sân trường hoặc vào trong hội trường.
“Hiện chưa mưa nên trường tổ chức ngoài trời nhưng vẫn che rạp cho các em. Lễ khai giảng nhà trường vẫn đảm bảo đầy đủ, ấm áp”, cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm – phó hiệu trưởng, cho hay.
Tại TP Phú Quốc, cô Lê Thị Hải Yến – hiệu trưởng Trường TH&THCS An Thới 2 (TP Phú Quốc) – cho biết trường có hơn 2.000 học sinh, đặc biệt chào mừng 205 em học sinh lớp 1. Nhà trường cũng thuê mái che để che cho các em dự lễ khai giảng. Năm học 2024-2025, TP Phú Quốc có khoảng 33.338 học sinh từ mầm non đến THPT.
4 trường ở huyện đảo Trường Sa khai giảng năm học mới
Đúng 7h ngày 5-9, học sinh ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) bước vào lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, cùng thời điểm với lễ khai giảng trên đất liền ở tỉnh Khánh Hòa.
Huyện đảo Trường Sa có 4 trường tiểu học là Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, Trường tiểu học Song Tử Tây, Trường tiểu học Sinh Tồn và Trường tiểu học Đá Tây.
Ông Trần Quang Phú – chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa – cho biết những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo tổ chức vệ sinh trường lớp, sắp đặt lại phòng học, trang trí khánh tiết… “Chúng tôi tin tưởng rằng năm học 2024-2025 thầy và trò Trường tiểu học thị trấn Trường Sa sẽ đạt nhiều thành tích cao” – ông Phú cho hay.
Ông Hà Văn Thông – trưởng Phòng Giáo dục mầm non – Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa) thông tin thêm vào đầu tháng 8 hằng năm, sở đều chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho thầy và trò ở huyện Trường Sa.
Vào dịp hè, các thầy dạy học ở đảo Trường Sa về đất liền nghỉ phép, sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những điểm mới cho các thầy. Những tâm tư, nguyện vọng của các thầy đều được ghi nhận và lên phương án xử lý kịp thời.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, khoảng 800 học sinh có mặt sớm dự lễ khai giảng năm học mới. Đây là cơ sở mới xây xong của Trường THPT Nguyễn Hữu Quang. Trường sẽ tuyển sinh gồm các học sinh ở các xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Tiến của huyện Phù Cát và các học sinh ở xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải thuộc TP Quy Nhơn.
Học ở trường mới, các cô cậu học trò đều rạng rỡ và phấn khởi vì trường được xây khang trang, rộng rãi bên bờ biển Cát Tiến thơ mộng.
Học trò “vùng động đất” Kon Plông háo hức đi khai giảng
Sáng 5-9, 317 em học sinh tại vùng tâm chấn động đất của Trường tiểu học và trung học cơ sở Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum, bước vào lễ khai giảng năm học mới. Ngoài điểm trường chính, lễ khai giảng cũng được tổ chức cùng lúc tại 4 điểm trường thôn của xã này.
Các em học sinh con em đồng bào Xê Đăng hồ hởi dậy sớm, thay quần xanh áo trắng, đeo khăn quàng đỏ chỉnh tề để chuẩn bị vào lễ khai giảng.
Từ đêm qua, những trận động đất âm ỉ thỉnh thoảng truyền về rung động các gian nhà nhưng không làm bớt đi không khí hồ hởi, vui tươi của thầy và trò trong ngày trọng đại.
Học sinh đất mũi vượt sông dự khai giảng
Tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, do điều kiện đi lại còn khó khăn, sông rạch chằng chịt, nhiều học sinh phải di chuyển bằng đò hoặc vỏ lãi mới đến được trường học dự lễ khai giảng.
Cô Phạm Thị Quyên – hiệu trưởng Trường tiểu học 2 Viên An, huyện Ngọc Hiển, cho biết trường có 2 điểm lẻ với 20 lớp, hơn 500 học sinh. Do một số khu vực vuông tôm, ít có đường xe đến trường nên gần một nửa số học sinh phải đi ghe xuồng, vỏ lãi đến lớp.
Chuẩn bị vỏ lãi từ sáng sớm để kịp đưa 4 đứa con và cháu đến trường, anh Nguyễn Văn Mến chia sẻ: “Đi bằng đường thủy khoảng 2km, còn đi bằng đường bộ thì tới gần 8km nên tôi cho con cùng các cháu đi bằng vỏ lãi cho nhanh, chở được nhiều. Đi như này cũng bất tiện nhưng hôm nay thời tiết thuận lợi nên cũng khỏe”.
Năm học 2024-2025, cả nước có gần 54.000 cơ sở giáo dục với 25.255.251 học sinh, sinh viên. Trong đó riêng học sinh cấp mầm non, phổ thông là hơn 23 triiệu. Số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động trong các cơ sở giáo dục trên cả nước có 1.659.589.
Đây cũng là năm học đánh dấu việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên có học sinh lớp 9 thi chuyển cấp THPT và học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2024-2025 cũng là năm học mang đến nhiều hy vọng cho giáo viên, cán bộ quản lý Nhà nước về những thay đổi liên quan chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc khi những chính sách được xây dựng trong Luật Nhà giáo được thông qua.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/hon-23-trieu-hoc-sinh-ca-nuoc-khai-giang-nam-hoc-moi-20240904214353435.htm#content-13