Sáng nay 7/6, UBND huyện Hướng Hóa phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Thổ nhưỡng nông hóa tổ chức hội thảo khoa học Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Cà phê Khe Sanh” và hệ thống các văn bản, công cụ quản lý CDĐL.
Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh” – Ảnh: ĐV
Khe Sanh là địa danh, đơn vị hành chính thị trấn của huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm cà phê chè với tổng diện tích hiện có khoảng 5.000 ha, diện tích cho thu hoạch trên 4.500 ha tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Lộc, Tân Hợp, Húc, thị trấn Khe Sanh…
Với lịch sử vùng trồng cà phê chè từ đầu thế kỷ XX, cùng địa danh lịch sử và chất lượng khác biệt của sản phẩm cà phê chè Khe Sanh đã vượt ra ngoài biên giới, hiện đã và đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Xác định cây cà phê là loại cây chủ lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, nhiều năm qua Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp tác động hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh, hỗ trợ người trồng cà phê ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm ngay tại địa bàn đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chuyên gia Viện Thổ nhưỡng nông hóa giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu CDĐL “Cà phê Khe Sanh” tại hội thảo – Ảnh: ĐV
Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký CDĐL “Cà phê Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Quảng Trị bao gồm: xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của sản phẩm cà phê Khe Sanh; xác định các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng cà phê Khe Sanh; xây dựng bản đồ CDĐL “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê đã lựa chọn.
Tại hội thảo, chuyên gia Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã trình bày cơ sở khoa học và thực tiễn đăng ký CDĐL “Cà phê Khe Sanh”; giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu CDĐL “Cà phê Khe Sanh”; dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL “Cà phê Khe Sanh”.
Các chuyên gia và đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung liên quan đến việc xây dựng bộ dữ liệu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm làm căn cứ để đăng ký bảo hộ CDĐL cho sản phẩm cà phê Khe Sanh.
Theo đó, hội thảo đã xác định được lịch sử của vùng trồng cà phê Khe Sanh với gần 100 năm tồn tại, danh tiếng của cà phê Khe Sanh đã được chứng minh qua hàng chục năm và minh chứng cho điều này là cà phê Khe Sanh liên tục từ 2020 đến nay đều đứng trong top đầu của các đợt thi cà phê đặc sản Việt Nam và top 5 cà phê đặc sản thế giới năm 2022.
Đã xác định được đặc thù hình thái sản phẩm cà phê Khe Sanh và chất lượng với những đặc điểm riêng. Nghiên cứu được phong tục, tập quán canh tác theo kiến thức của người dân tại vùng trồng cà phê quyết định đến tính đặc thù của sản phẩm cà phê.
Phân tích được mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và yếu tố con người với chất lượng cà phê Khe Sanh. Xác định được bản đồ hiện trạng, bản đồ đất vùng trồng cà phê Khe Sanh; bản đồ phạm vi bảo hộ CDĐL cho cà phê Khe Sanh ở tỉ lệ 1/10.000…
Đây là những căn cứ quan trọng giúp địa phương có cơ sở khoa học đề nghị các cơ quan chức năng cho phép bảo hộ CDĐL “Khe Sanh” đối với sản phẩm cà phê Khe Sanh trên khu vực 12 xã thuộc huyện Hướng Hoá.
Đức Việt