Chiều nay 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: Q.H
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được năm 2023; thực tiễn công tác tư pháp tại các đơn vị, địa phương; nêu rõ, phân tích những điểm tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đưa ra đề xuất, kiến nghị…
Đồng thời thống nhất cao với các nhiệm vụ tư pháp năm 2024 và định hướng công tác đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2026 mà Bộ Tư pháp đề ra. Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu cần đặc biệt quan tâm là: Kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của cấp trên. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị ngành tư pháp cần quan tâm, xây dựng, hoàn thiện thể chế kịp thời, có chất lượng; tập trung đề xuất sửa đổi luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi và tính toán lại chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2024 và năm tiếp theo.
Tiến hành thẩm định các đề nghị, dự án, dự thảo một cách kịp thời, chuẩn chỉnh; nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật; tháo gỡ vướng mắc trong các quy định hiện hành; tập trung cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số…
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Năm 2023, ngành tư pháp đã chủ động, khẩn trương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm và kịp thời xây dựng, ban hành, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo thứ tự ưu tiên. Nhờ thế, các lĩnh vực công tác đều đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt. Đã chú trọng đến hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển KT – XH ngày càng được đánh giá cao.
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải cơ sở có những bước tiến mới. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác thi hành án dân sự có nhiều bước tiến. Từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 575.667 vụ việc, tăng 6,75% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác trợ giúp pháp lý đạt nhiều kết quả ấn tượng, nhất là trong việc thiết lập cơ chế trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc. Năm 2023, có 38.371 vụ việc trợ giúp pháp lý đã được tiếp nhận, giải quyết…
Quang Hiệp