Cho rằng Trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại vị trí chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cuộc sống của chính mình, nhiều người dân trên địa bàn không bằng lòng. Trước thực tế ấy, lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực vào cuộc với nhiều lần kiến nghị, đề xuất với trung ương. Thế nhưng, “bài toán” khó này vẫn chưa được trung ương hỗ trợ giải quyết.
Vị trí đặt trạm BOT thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông vận tải
Trạm thu phí BOT Quảng Trị nằm ở km763+800 Quốc lộ 1 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư. Trạm được xây dựng trên tuyến đường Bắc – Nam qua Quảng Trị, tại cửa ngõ phía Nam vào TP. Đông Hà, đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị.
Vị trí trạm nằm giữa 2 đô thị lớn của Quảng Trị là TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị, nơi có Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Với vị trí này, trạm vô tình “ngăn cách” TP. Đông Hà với thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Việc “chia cắt” này đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung, các địa phương liên quan nói riêng.
Trạm BOT Quảng Trị được cho là đặt ở vị trí chưa phù hợp, trở thành “rào cản” đối với sự phát triển của tỉnh -Ảnh: T.L
Theo ghi nhận, hằng ngày, lượng phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở những địa phương nói trên qua lại trạm BOT khá lớn. Gần đây, người dân lại xôn xao khi hay tin từ ngày 29/12/2023, giá vé qua Trạm BOT Quảng Trị được điều chỉnh tăng. Dẫu biết tăng giá vé là việc nằm trong lộ trình, không thể tránh khỏi nhưng áp lực mà nó gây ra vẫn cần được nói đến.
Suốt mấy năm nay, để qua lại trạm thu phí, hằng tháng, nhiều người dân Quảng Trị phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. Khoản tiền ấy giờ phải tăng lên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Điều đáng nói là dù giá vé tăng nhưng chất lượng mặt đường đoạn do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư lại có dấu hiệu xuống cấp. Tại nhiều vị trí trên tuyến, những vết nứt, ổ gà, vệt lún bánh xe xuất hiện khá dày. Một số điểm hư hỏng nặng được vá víu tạm bợ.
Không chỉ thế, sự xuất hiện của Trạm BOT Quảng Trị còn làm xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ dân ở lân cận khu vực đặt trạm. Chủ tịch UBND xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong Bùi Quốc Hùng cho biết, trung bình mỗi ngày, con đường bê tông rộng tầm 5 m của xã phải “gánh” từ 1.200 – 1.500 lượt xe “né” trạm. Trong số những đoàn xe rầm rập qua tuyến đường này, nhiều chiếc có tải trọng lớn, làm hư hỏng đường sá, cầu cống. “Trên tuyến đường chính của xã có 3 ngôi trường với rất đông học sinh. Việc xe lớn, xe nhỏ qua lại liên tục khiến nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khiến người dân rất lo lắng”, ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, trạm thu phí tại km763+800 Quốc lộ 1 được xây dựng để thu tiền hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ TP. Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ km741+170 đến km756+705.
Trước đó, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, việc thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP) được xem là cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với UBND tỉnh kêu gọi đầu tư thành công 2 dự án này.
Sau khi hoàn thành, các dự án tạo trục liên hoàn, đồng bộ toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Được biết, trong quá trình thực hiện, việc xác định vị trí đặt trạm BOT thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và đã được bộ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Cụ thể, theo quy định tại điểm 1, Điều 4, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020 quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thì tiêu chí thành lập trạm thu phí là “phải đặt trong phạm vi của dự án”.
Nỗ lực tháo gỡ bất cập từ trạm BOT
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, nhận thấy bất cập về địa điểm đặt Trạm BOT Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến, trao đổi, thảo luận với các sở, ngành, địa phương liên quan và Công ty TNHH BOT Quảng Trị để tìm phương án giải quyết.
Đặc biệt, các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi làm việc, gửi kiến nghị, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Được biết, từ một trong những đề xuất của lãnh đạo tỉnh, Bộ GTVT đã chấp thuận giảm giá đối với phương tiện của các chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn.
Từ ngày Trạm BOT Quảng Trị đưa vào sử dụng, lượng xe đi qua tuyến đường chính của xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong tăng đột biến – Ảnh: T.L
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh từng nhiều lần phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến Trạm BOT Quảng Trị. Theo ông Hà Sỹ Đồng, kể từ khi có trạm BOT, Nhân dân, cử tri trên địa bàn thường xuyên kiến nghị về sự bất hợp lý ở vị trí đặt trạm. Một trong những điều gây bức xúc trong Nhân dân là mặc dù bà con chỉ sử dụng chưa đến một nửa chiều dài tuyến đường BOT nhưng phải trả dịch vụ cho cả tuyến.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, ngoài tạo ra sự “chia cắt”, gây nên những “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, việc chọn đặt Trạm BOT Quảng Trị nằm ở km763+800 Quốc lộ 1 còn làm nảy sinh nhiều vấn đề khác. Trong quá trình đầu tư hệ thống giao thông phục vụ kinh tế – xã hội của tỉnh, các tuyến giao thông đấu nối với đoạn tuyến BOT trên Quốc lộ 1 đều không nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT và nhà đầu tư.
Lý do được đưa ra là việc đấu nối sẽ làm phân lưu lượng xe qua trạm BOT, gây ảnh hưởng đến phương án tài chính đã được ký kết giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư BOT. “Việc không được chấp thuận đấu nối gây rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân trong khu vực với 1/2 dân số của 4 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông”, ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh, trong đó có đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT phương án di dời trạm BOT về phía Nam cuối địa phận của tỉnh. Cùng với đó, phương án thứ hai được đưa ra là Nhà nước hỗ trợ ngân sách mua lại trạm BOT của nhà đầu tư. Dù biết chi phí để mua lại trạm rất lớn, ước tính khoảng 1.700 tỉ đồng nhưng đây có thể là giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ khó khăn.
Kiến nghị hỗ trợ nguồn lực để mua lại trạm BOT
Trước những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, Bộ GTVT đã có những phúc đáp cụ thể. Theo đó, trong quá trình thực hiện, việc xác định vị trí đặt trạm được bộ thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc di dời trạm thu phí về phía Nam cuối địa phận của tỉnh sẽ nằm ngoài phạm vi dự án, không tuân thủ quy định về vị trí đặt trạm, đồng thời không khả thi về phương án tài chính. Thực tế, kể từ thời điểm thu phí 2 dự án đến nay, người dân và phương tiện lưu thông qua trạm thu phí luôn chấp hành tốt quy định, không xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.
Cũng theo Bộ GTVT, quan điểm chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như ý kiến các bộ, ngành là phải thực hiện theo hợp đồng dự án đã ký, chỉ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các trạm thu phí liên quan đến nghĩa vụ của Nhà nước. Bộ GTVT đang tiếp tục hoàn thiện, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định. Qua rà soát, 2 dự án nêu trên chưa đáp ứng các yêu cầu để đưa vào danh sách xử lý bất cập. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đánh giá tác động đối với các dự án BOT khi đưa các dự án đường cao tốc vào khai thác, để có giải pháp xử lý kịp thời.
Trong quá trình triển khai, mức thu phí, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí được thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính. Hình thức thu phí hở (theo lượt) có bất cập, hạn chế là chỉ có thể đảm bảo tính công bằng một cách tương đối. Ở khu vực lân cận, gần trạm thu phí khi sử dụng quãng đường ngắn, đi qua trạm vẫn phải trả phí, trong khi phương tiện đi quãng đường dài hơn nhưng không qua trạm cũng không phải trả phí.
Thấu hiểu điều đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư, đề xuất, qua đó được chấp thuận điều chỉnh giảm mức phí đối với các phương tiện vận tải loại 4 và loại 5. Bộ cũng đã chấp thuận đề xuất của lãnh đạo tỉnh về giảm giá đối với phương tiện của các chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính đóng ở Quảng Trị.
Liên quan đến việc đấu nối các tuyến giao thông với đoạn tuyến BOT trên Quốc lộ 1, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, đối với các vị trí đấu nối vào quốc lộ trong phạm vi dự án đầu tư theo phương thức PPP bảo đảm yêu cầu theo quy định tại thông tư và hồ sơ do Sở GTVT trình, có ý kiến thống nhất của nhà đầu tư, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối, công bố và tổ chức thực hiện. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh căn cứ nhu cầu kết nối các tuyến đường của địa phương với Quốc lộ 1 để xem xét từng vị trí cụ thể, thống nhất với nhà đầu tư và quyết định theo thẩm quyền.
Có thể thấy cách làm và những nội dung hồi đáp của Bộ GTVT là có cơ sở, hợp lý. Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ GTVT cũng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn liên quan đến trạm BOT nói trên. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề để tháo gỡ bất cập, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và việc đi lại của người dân vẫn chưa giải quyết được vì trạm BOT không thể dời đến chỗ khác. Vậy chỉ còn cách là mua lại trạm BOT từ nhà đầu tư, nhưng việc này nằm ngoài khả năng ngân sách của tỉnh.
Đặt trong bối cảnh tỉnh Quảng Trị từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc kháng chiến, nay còn gặp không ít khó khăn, việc xây dựng, đặt trạm BOT ở vị trí chưa thực sự phù hợp đã và đang làm xuất hiện thêm bất cập, tạo rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo thêm “gánh nặng” về tài chính cho người dân.
Vì vậy, cán bộ, Nhân dân tỉnh Quảng Trị rất mong Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để mua lại trạm BOT của nhà đầu tư, qua đó giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Giải pháp được cho là hợp tình, hợp lý này đã và đang được cán bộ, Nhân dân địa phương mong chờ.
Tây Long