Truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết, xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận mua bán, khai thác, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái pháp luật.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ – Ảnh: T.T
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 56 nhà máy sản xuất chế biến thương mại lâm sản được cấp phép đầu tư, trong đó có 47 nhà máy đang hoạt động, công suất đang hoạt động đạt trên 1.500.000 tấn/năm, chiếm 78,2% công suất được cấp phép.
Ngoài ra còn có 144 cơ sở thương mại chế biến lâm sản được cấp phép đầu tư hoạt động, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, cưa gia công, sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ mộc dân dụng… phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nguyên liệu hầu hết được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thu mua có nguồn gốc từ rừng trồng sản xuất khai thác trên địa bàn tỉnh, một số được thu mua từ các tỉnh lân cận như Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu mặt hàng gỗ, các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều có yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc gỗ, gỗ từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường… Muốn giữ vững thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ rõ ràng, đạt chứng chỉ FSC…Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện này sẽ tự mất đi lợi thế cạnh tranh.
Để triển khai hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc lâm sản, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các điều kiện, tiêu chí phân loại doanh nghiệp đến các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản. Thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hằng năm để tập trung tuyên truyền về các quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn.
Sau gần một năm triển khai Thông tư số 26/2022/ TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 (Thông tư 26), có hiệu lực từ 15/2/2023 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Nghị định số 102/2020/NĐCP của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra truy xuất nguồn gốc được 1.055.311 tấn gỗ các loại có nguồn gốc từ rừng trồng; 7.864 m3 gỗ rừng tự nhiên được nhập khẩu.
Đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình “Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu” theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP trình UBND tỉnh ban hành và đưa vào tổ chức thực hiện. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ và quản lý gỗ xuất nhập khẩu đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật về quản lý lâm sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, so với Thông tư số 27/2018/TTBNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2018, Thông tư 26 đã tháo gỡ vướng mắc, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Tuy nhiên, theo đại diện ngành nông nghiệp, vẫn còn một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Theo quy định của Thông tư 26, gỗ rừng trồng sản xuất sau khai thác bằng vốn tự có của tổ chức, cá nhân khi mua bán, vận chuyển không cần phải xác nhận của kiểm lâm địa phương nên khó khăn về việc truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đa số các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ, không trực tiếp xuất khẩu gỗ mà chỉ xuất khẩu các sản phẩm gỗ sau chế biến, nên rất khó kiểm tra giám sát và truy xuất nguồn gốc. Một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, một số ít doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ thiếu hợp tác với lực lượng kiểm lâm trong việc truy xuất nguồn gốc lâm sản, thực hiện chưa đầy đủ kịp thời báo cáo lâm sản, hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lâm sản và phân loại doanh nghiệp, lực lượng kiểm lâm cần tăng cường bám địa bàn, nắm vững tình hình khai thác rừng để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Thống kê chính xác sản lượng gỗ khai thác để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại chế biến lâm sản cập nhật, ghi chép sổ sách nhập, xuất lâm sản và báo cáo nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định, đảm bảo đúng hồ sơ lâm sản hợp pháp quy định tại Thông tư 26 và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản khi mua các loại gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng sản xuất là rừng trồng, gỗ có tên trùng với cây gỗ rừng tự nhiên, cây trồng phân tán, cây vườn nhà do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư phải có bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại. Ngoài ra, để bảo đảm truy xuất nguồn gốc nguyên liệu được thuận lợi, các doanh nghiệp chế biến lâm sản nên ưu tiên mua gỗ nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Bảo Bình