Vừa qua, nhà văn Phùng Văn Khai – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Châu La Việt về Điện Biên trong văn hóa văn học nghệ thuật. Phóng viên Bảo Thơ đã ghi lại từ cuộc trò chuyện.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa anh Châu La Việt, chúng ta đã làm rất nhiều việc về văn hoá văn học nghệ thuật, đặc biệt, bản thân anh cũng có nhiều cuốn sách về đường Trường Sơn và cho đến hiện tại, ở độ tuổi cũng đã lớn, anh vẫn miệt mài viết, ngòi bút vẫn rất phong độ.
Tôi muốn biết cảm xúc của anh về văn hoá văn học nghệ thuật khi trong hoàn cảnh đất nước thanh bình như hôm nay, đặc biệt là sau chuyến đi Điện Biên vừa qua của anh?
Nhà văn Châu La Việt: Tôi được hỏi câu hỏi này trong bối cảnh đang rất xúc động khi vừa có chuyến đi Điện Biên Phủ cùng 70 văn nghệ sỹ do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
Các bạn đã biết, Điện Biên Phủ những ngày gần với kỉ niệm 70 năm luôn ào ạt những đoàn quân, những cựu chiến binh, đại biểu các tỉnh… hướng về với tình yêu và khí thế Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và với những chiến sĩ bộ đội luôn tràn trề đầy năng lượng, từ tình yêu đó người ta sẽ biến ra được rất nhiều hành động cụ thể. Tôi cũng đã gặp rất nhiều đồng đội của tôi, có những người lần đầu tiên trong đời được mặc quân phục, đeo quân hàm quân hiệu, bởi ngày trước họ cũng ở chiến trường như chúng tôi, nhưng chưa từng được mặc quân phục, và chuyến lên Điện Biên đợt này họ đã được mặc quân phục, đeo quân hàm quân hiệu , được sống lại với kí ức chiến tranh của họ, mặc dù họ là lứa sau của thế hệ đánh Điện Biên Phủ.
Nhà văn Châu La Việt và Nhà văn Phùng Văn Khai (hàng đứng)
Trong đoàn văn nghệ sĩ có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – hiện là Chủ tịch uỷ ban Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tất cả mọi người khi gặp nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đều reo lên, bởi vì như bắt gặp hình ảnh nhạc sĩ Đỗ Nhuận – một nghệ sĩ rất lạ trong lịch sử Việt Nam: ông là người tù duy nhất trở thành một nhạc sĩ lớn, và cái lớn, xuất sắc của Đỗ Nhuận đầu tiên là có chùm tác phẩm về Điện Biên Phủ như: Hành quân xa, Chiến thắng Him Lam, Giải phóng Điện Biên… Lời bài hát của ông rất sâu sắc và chân thật.
Sắp tới ngày 7 tháng 5 tới đây, trên Điện Biên Phủ có gần hai mươi nghìn cán bộ chiên sĩ, dân công hoả tuyến… duyệt binh, sẽ có bắn 21 phát đạn bác và có 9 máy bay treo cờ tổ quốc bay quanh vùng trời Điện Biên. Vậy lực lượng văn học nghệ thuật chúng ta có gì trong cuộc diễu hành đó? Xin thưa, đó là Opera Vầng trăng Him Lam, với âm nhạc của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân như một tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao. Tất nhiên cũng có những bài thơ, thậm chí có cả các trường ca như Giao hưởng Điện Biên của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhưng Opera luôn là đỉnh cao của âm nhạc thế giới. Viết về Điện Biên, chúng ta đã có tuồng, chèo, phim …về Điện Biên rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có Opera về Điện Biên.
Quay trở lại với câu hỏi của nhà văn Phùng Văn Khai về suy nghĩ của tôi về văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh đất nước hiện nay: Tôi thấy rất khó để diễn tả, bởi có những thời điểm văn học nghệ thuật đất nước hưng phấn như một thi nhân, một chàng trai đang được yêu, thì cảm xúc lâng lâng, có thể là bối cảnh đang hưng phấn nên văn học nghệ thuật mới sục sôi như thế.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa anh Châu La Việt, tôi cũng vừa có chuyến đi Điện Biên đầu tháng 4 vừa rồi, tôi đã làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên và thấy được rằng, không khí 70 năm Điện Biên của chúng ta vừa trang nghiêm vừa sâu sắc, nhân văn. Toàn bộ công tác tổ chức đã được sắp xếp rất tốt, nhưng cái mà chúng tôi quan tâm là giới văn nghệ sĩ đã có mặt trong chiến hào Điện Biên, tôi cũng đã biết đến nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi viết bài Chiến thắng Him Lam và đặc biệt là những câu hò, những bài thơ đọc trong chiến hào, hát trong chiến hào. Tôi cũng đã đến nghĩa trang Đồi A1 và thấy được rằng số liệt sĩ khuyết danh còn rất lớn, trong 56 ngày đêm máu lửa thì có gần 4.000 liệt sĩ khuyết danh. Vậy với tư cách là một nhà văn trưởng thành trong chống Mỹ, anh thấy hào khí Điện Biên như thế nào và bài học từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để gửi thông điệp đến thế hệ sau này là gì?
Nhà văn Châu La Việt: Tôi sẽ trả lời câu hỏi về hào khí Điện Biên trong giới văn, nghệ sĩ trước bằng 3 câu chuyện: Câu chuyện thứ nhất, trong đoàn quân khi chúng tôi đi Mường Phăng, khi xuất hiện, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được rất nhiều cán bộ chiến sĩ yêu quý. Họ yêu quý không chỉ vì Đỗ Hồng Quân hôm nay, mà còn vì họ thấy được hình dáng ông Đỗ Nhuận ở trong đấy. Tất cả mọi người bắt tay, xin chụp ảnh. Kì lạ hơn, là câu chuyện thứ hai: nhà thơ Vũ Quần Phương đã 85 tuổi những vẫn nằng nặc đi lên Điện Biên với các văn nghệ sỹ trẻ. Một thời gian dài anh Phương ít xuất hiện với công chúng, nhưng khi gặp anh,người dân vẫn xin chụp ảnh với bác Phương vì vốn yêu thơ anh, lại xúc động hôm nay thấy anh đã cao niên mà vẫn lên Điện biên như một tình yêu lớn của mình.. Câu chuyện thứ ba có một cô nói với anh Phương rằng” Bác ơi! Cho cháu đi với bác, đến đoạn nào bác mệt thì cho cháu cõng bác” Tôi hơi ngạc nhiên, và lúc đầu tưởng ở đây có dịch vụ đưa người lớn tuổi lên Mường Phăng. Hỏi ra thì tôi mới biết chị này tên Thu Hiền, trẻ và xinh lắm, là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật của Điện Biên. Chị tình nguyện đi cõng những người lớn tuổi để lên được Mường Phăng, nơi có hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Qua những câu chuyện trên chúng ta thấy được văn nghệ sĩ đến với Điện Biên háo hức như thế nào, và tấm lòng của người dân đối với văn nghệ sĩ đến với Điện Biên như thế nào!
Nhà văn Phùng Văn Khai: Anh có thể nói thêm về cuốn tiểu thuyết mới xuất bản nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điên Biên Phủ ?
Nhà văn Châu La Việt: Tôi xin giới thiệu với nhà văn Phùng Văn Khai rằng trong đợt này tôi có một tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam nhân Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Trại viết Quân đội, Tổng Cục Chính Trị, Bộ Văn hoá giao cho tôi. Tôi cũng rất đắn đo khi nhận lời vì đã có các nhà văn như Hữu Mai, Hồ Phương, Dũng Hà… là các nhà văn đã viết hay lắm rồi về Điện Biên. Nhưng tôi đã viết được, vì hồi nhỏ tôi được ở với các văn nghệ sĩ Điện Biên và khám phá ra rằng góp phần chiến thắng Điện Biên còn có Binh đoàn văn học nghệ thuật. Khi tôi viết xong tác phẩm này, NXB Quân đội đã in ngay để phát hành kịp này kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thời báo Văn học Nghệ thuật của anh Hoàng Dự mời tôi dự thi cuộc thi tiểu thuyết. Đạc biệt hơn, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã chuyển thành Opera ngay. Thật sự tiểu thuyết này, và Opera của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan, cá nhân, đủ hiểu lòng dân đối với văn học nghệ thuật, với những chiến thắng của Điện Biên như thế nào. Đây cũng là điều nhắc nhở giới văn nghệ sĩ rằng, Điện Biên sẽ mãi mãi là một đề tài như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, và chắc chắn, đất nước nhân dân không bao giờ quên và hết sức chăm lo những người văn nghệ sĩ đã viết những tác phẩm xuất sắc về Điện Biên..
Nhà văn Phùng Văn Khai: Tôi rất xúc động khi anh Châu La Việt đã nhắc đến đội ngũ, văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó có những người ở cơ quan tôi như Thiếu tướng nhà văn Dũng Hà; nhà văn Hồ Phương; nhà thơ Thanh Tịnh,… Chúng tôi, thế hệ sau đều ghi nhớ những dấu mốc lịch sử, những đóng góp bằng xương bằng máu, bằng trí tuệ của các chú, các anh cho Điện Biên. Trong cuộc trò chuyện hôm nay, tôi rất cảm ơn anh Châu La Việt – vừa là người anh, vừa là người bạn của Văn nghệ Quân đội và cũng là người anh, người bạn của tôi, xin chúc anh mọi việc bình an và hạnh phúc!
Nhà văn Châu La Việt: Rất cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai!
Bảo Thơ