Sáng nay 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về một số nội dung mới, những ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Ảnh: TT
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã có một số ý kiến quan trọng liên quan đến quy định thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ xuất khẩu và vấn đề thuế suất đối với phân bón.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cơ bản đồng tình với việc tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy định thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu.
Đại biểu cho rằng, nguyên tắc cơ bản của việc tăng giá trị thuế, giá trị thuế 0% đã được áp dụng từ lâu đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, bởi vì đây là thuế đánh vào tiêu dùng cuối cùng của người dùng. Nếu áp dụng thuế cho dịch vụ xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế hai lần: một lần tại Việt Nam và một lần ở nước nhập khẩu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh quốc gia. Nhất là đối với ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm như phần mềm, phim ảnh, trò chơi điện tử, âm nhạc.
Theo đại biểu, việc không cho hưởng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu khiến các doanh nghiệp công nghệ thông tin tìm cách ra nước ngoài mở doanh nghiệp, vì như vậy sẽ tránh được việc bị đánh thuế hai lần. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với việc tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu như quy định hiện hành.
Về vấn đề thuế suất với phân bón, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định, đây là vấn đề được tranh luận rất sôi nổi qua nhiều lần thào luận. Dự thảo quy định mặt hàng này quay lại diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% như ban đầu Chính phủ đã trình.
Đại biểu cho rằng nếu để hài hòa giữa các bên thì có lẽ phương án chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau và có thể quy định mức thuế suất là 1% hoặc 2% hay 3% với mặt hàng phân bón là tối ưu hơn.
Còn phương án 5% tại dự thảo tuy chưa thực sự hoàn hảo song cân nhắc về nhiều mặt thì có lẽ là phương án chấp nhận được. Theo đại biểu, việc này đã có nhiều ý kiến lo ngại thì người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động bất lợi của quy định này. Trước mắt thì có thể người nông dân sẽ chiụ thiệt, nhưng có lợi về lâu đài.
Lý giải cho vấn đền này, đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định: về lâu dài thì phân bón trong nước không còn bị bảo hộ ngược, nên sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm tốt hơn. Nguồn cung trong nước sẽ mạnh hơn, ko bị phụ thuộc vào phân nhập khẩu với bối cảnh thế giới hiện nay, tự chủ được phân bón trong nước thì rất có lợi. Khi doanh nghiệp phân bón trong nước làm ăn tốt, thì nguồn cung ổn định, nông dân sẽ giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón.
Chiều ngày 29/10, dưới sự chủ trì của UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân Sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dữ trữ quốc gia.
Tham gia phát biểu dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đã nhấn mạnh sự cần thiết của công việc điều chỉnh luật để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Ảnh: TT
Đại biểu cho rằng, Luật Đầu tư công năm 2019 đã tạo ra những thay đổi mới quan trọng, giúp giảm thủ tục hành chính, phân cấp và tăng quyền tự chủ cho các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, sau gần 5 năm phát triển khai, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, gây khó khăn trong công việc thực thi, nhất là khi cơ chế, chính sách thí nghiệm được quốc hội cho phép nhưng chưa được luật hóa đầy đủ.
Đại biểu đề xuất sửa đổi luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Về quy định giải thích từ ngữ, đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý về “nợ đọng xây dựng cơ bản,” đại biểu đề nghị làm rõ hơn, quy định chặt chẽ hơn thời điểm để xác định nợ đọng, hiện nay các theo quy định thì khối lượng thực hiện không được vượt quá vốn bố trí hàng năm điều này dẫn đến các chủ đầu tư vướng vào vấn đề này vì trong quá tình thi công phải có những điểm dừng kỹ thuật mới dừng công trình được.
Về đối tượng đầu tư công, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “thực sự cần thiết” trong quy định về phân tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tránh nhầm lẫn gây bất lợi cho các cơ quan, người có liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, để điều chỉnh các chương trình, dự án đầu tư trong trường hợp “bất khả kháng,” đại biểu Thắng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại và xác định rõ trong luật để tạo cơ sở pháp lý cụ thể. Vì vậy đề nghị cần phải quy định rõ những trường hợp, cơ sở, căn cứ rõ ràng để bảo vệ những người làm đúng, thực hiện đúng.
Về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung quy định để HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong quy trình phê duyệt dự án, tránh chồng chéo và đảm bảo tính minh bạch.
Thanh Tuân – Cẩm Nhung
Nguồn: https://baoquangtri.vn/cac-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-ha-sy-dong-hoang-duc-thang-tiep-tuc-dong-gop-nhieu-y-kien-quan-trong-tai-phien-thao-luan-du-thao-luat-189344.htm