Trong khuôn khổ thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, sáng nay 12/3, tại xã Tà Long, huyện Đakrông, Ban quản lý dự án VFBC tỉnh phối hợp với đơn vị thực hiện Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông tổ chức hội thảo góp ý phương án thí điểm phục hồi rừng dựa trên hợp tác cùng chia sẻ lợi ích với cộng đồng trên diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm canh thuộc KBTTN Đakrông.
Ký cam kết tham gia phục hồi rừng theo cơ chế hợp tác đa bên – Ảnh: N.B
KBTTN Đakrông có diện tích tự nhiên hơn 37.000 ha với sự đa dạng sinh học khoảng 1.452 loài thực vật bậc cao có mạch, 91 loài thú, 193 loài chim, 49 loài bò sát ếch, nhái. Hiện nay, vẫn còn một phần diện tích đất của KBTTN Đakrông bị người dân xâm lấn. Việc xử lý, thu hồi diện tích thuộc rừng đặc dụng bị xâm lấn đang gặp khá nhiều khó khăn.
Mục tiêu chung của phương án thí điểm phục hồi rừng dựa trên hợp tác cùng chia sẻ lợi ích với cộng đồng trên diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm canh thuộc KBTTN Đakrông là: giải quyết vấn đề phục hồi rừng và chia sẻ lợi ích với cộng đồng trên diện tích rừng đặc dụng bị xâm canh; xây dựng thành công mô hình trồng phục hồi rừng bằng cây bản địa (trẩu, dổi) trên đất nương rẫy trong ranh giới khu bảo tồn; xây dựng các giải pháp chia sẻ lợi ích phù hợp cho người dân địa phương đang xâm canh trên đất rừng đặc dụng.
Cán bộ Ban quản lý KBTTN Đakrông cùng người dân địa phương phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng đặc dụng – Ảnh: N.B
Để thực hiện phương án thí điểm phục hồi rừng dựa trên hợp tác cùng chia sẻ lợi ích với cộng đồng trên diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm canh thuộc KBTTN Đakrông có hiệu quả trong thời gian tới, trước mắt, hội thảo đã tập trung thảo luận, góp ý kiến để triển khai thí điểm phục hồi rừng tại xã Húc Nghì (huyện Đakrông) nhằm thu hồi diện tích đất rừng bị xâm canh, xâm lấn phục vụ cho phục hồi rừng tại KBTTN Đakrông.
Phạm vi thực hiện thí điểm tại Tiểu khu 724A và 730 trên địa bàn xã Húc Nghì. Đối tượng là các diện tích đất rừng của KBTTN Đakrông hiện đang bị người dân xâm lấn.
Phương án thí điểm này được thực hiện sẽ tái tạo lại rừng, chia sẻ lợi ích với cộng đồng trên diện tích bị xâm lấn. Qua đó, tạo thêm được nguồn thu nhập từ trồng, chăm sóc rừng đặc dụng cũng như tăng nguồn thu cho cộng đồng từ phụ phẩm rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực và KBTTN Đakrông.
Đồng thời, sau khi thực hiện thành công thí điểm phương án này sẽ làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn các xã có sự xâm lấn đất rừng thuộc KBTTN Đakrông và xem xét mở rộng tới các vùng khác trong tỉnh.
Phú Hải