Có thể từ tiếng Anh, Cover được người dân địa phương hóa thành Cu Vơ, nghĩa là nơi trú ẩn, nắp hầm, vỏ bọc bên ngoài. Theo người dân Hướng Hóa, có 3 đồi Cu Vơ tại địa phương này, 2 đồi ở xã Hướng Linh và 1 ở xã Hướng Phùng. Ngày xưa khi lính Mỹ kiểm soát các cao điểm thường đặt “Cu Vơ” ở những chỗ này để trú ẩn. Dù địa phương có nhiều đồi Cu Vơ nhưng mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến xã Hướng Linh.
Đỉnh Cu Vơ thu hút nhiều du khách đến săn mây, đón bình minh -Ảnh: MINH HIỂN
Đồi Cu Vơ ở Hướng Linh cao hơn 800 m so với mực nước biển, nằm ở thôn Miệt Cũ. Bản Cu Vơ ngày xưa được thành lập bởi đồng bào dân tộc Vân Kiều sống ở cạnh sông Rào Quán. Đến khi thủy điện Rào Quán hình thành, họ phải di dời, một phần cư dân của thôn Miệt lên trên đồi Cu Vơ định cư.
Tuy nhiên, sau khi điện gió Phong Liệu xây dựng thì gần 100 hộ dân ở Cu Vơ lại một lần nữa phải di dời đi nơi khác. Hiện Cu Vơ bốn bề cột điện gió, các công trình như trường học, nhà cộng đồng… hầu như còn giữ lại như minh chứng cho sự hiện diện của một ngôi làng nhỏ từng tồn tại ở nơi này, phần còn lại thuộc sự quản lý của Nhà máy điện gió Phong Liệu.
Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh, đi theo hướng xã Hướng Phùng tầm 10 km, rẽ trái thêm 2 km là đến trung tâm thôn Miệt Cũ. Từ đây lên đồi Cu Vơ tầm 2 phút chạy xe máy. Cu Vơ là ngọn đồi trọc chỉ có những cây bụi, sim mua và sau sau (phong hương) mọc. Từ đây sẽ có tầm nhìn (view) triệu đô, như cách nói của lớp trẻ bây giờ. Tầm nhìn 360 độ với bốn bề mây và gió.
Con đường bê tông từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ lên Cu Vơ được Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu thi công phẳng lỳ. Hai bên cây xanh tỏa bóng mát rượi. Con đường ngoằn nghèo với dốc đứng, rất cheo leo. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Phóng tầm mắt ra xa là lòng hồ thủy điện Rào Quán xanh biếc. Cứ ngỡ như đi qua đèo Hải Vân nhìn về Biển Đông bằng tâm thái của một người đứng ở nơi giao giữa đất và trời.
Lên khỏi đèo là một “bình nguyên” khá rộng. Địa hình bằng phẳng tương đối với những con dốc vừa phải khiến tôi nghĩ đến một ngôi làng bình yên, heo hút nằm trên đỉnh Trường Sơn, đẹp và bí ẩn giữa thâm u đại ngàn. Làng còn nhiều ngôi nhà và công trình nhưng không có dân cư. Chỉ còn lại những vị khách hiếu kỳ phương xa muốn lên đây săn mây, đón bình minh. Anh Phạm Văn Tú, Giám đốc Nhà máy Điện gió Phong Liệu nói với chúng tôi rằng, để làm cho Cu Vơ ngày càng đẹp hơn, có sức hút hơn, điện gió Phong Liệu đã trồng hàng ngàn cây bích đào và hàng trăm gốc điệp anh đào. Sắp tới đơn vị này sẽ nhân giống sim, mua bản địa để trồng phủ các đồi nơi có cột điện gió.
Đầu mùa xuân chúng tôi có dịp lên đây, hai bên đường hoa trẩu nở trắng, rụng thành thảm dày dưới đất. Có những cung đường hoa điệp anh đào nở hồng dưới nắng vàng. Bên vách núi, loài địa lan với màu hoa đỏ, trắng cũng góp mặt làm nên hương sắc cho vùng đất ở cổng trời này. Giữa mênh mông cỏ xanh nổi lên những bụi sim, mua với hoa tím biếc khiến ai cũng có cảm giác như lạc giữa nền thơ Hữu Loan trong một chiều hoang hoải: “Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt”…
Theo ông Phạm Văn Tú, thời gian qua có nhiều tổ chức đã lên đây trồng cây. Như Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị đã trồng hàng Osaka đỏ dọc đường từ đỉnh đèo đi lên; gia đình phật tử huyện Hướng Hóa cũng đã trồng gần 100 gốc điệp anh đào cổ thụ để góp chút sắc hoa làm đẹp xứ sở mây ngàn này. Tất cả như muốn vun đắp cho nơi này trở thành một điểm đến lý tưởng để ngắm mây, hòa mình vào thiên nhiên.
Nhà báo Lâm Chí Công, Chủ tịch Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị sau nhiều lần lên Cu Vơ thưởng ngoạn đã trầm trồ về đỉnh đồi đắc địa này. Đây là vị trí lý tưởng nhất để khám phá thiên nhiên Hướng Hóa bằng cách “với cánh tay” có thể chạm tới… mây. Và rồi nhà báo Lâm Chí Công đã gặp những con người cùng yêu cái đẹp, muốn làm cái gì đó để phát triển du lịch cho quê hương. Họ đã có chung ý tưởng xây dựng nơi này thành điểm đến thu hút khách thập phương. Rồi ý nghĩ xây dựng một ngọn tháp để du khách lên đây ngắm mây; một chiếc chuông khi gióng lên để… gọi mây về đã hình thành và nung nấu. Đó là công trình kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của du lịch Hướng Hóa từ nguồn vốn xã hội hóa, do Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị đứng ra huy động.
Tôi đã leo lên đỉnh Cu Vơ không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng thấy thích thú bởi cảnh quan quá đẹp, rất đáng để “bỏ sức leo trèo”. Kiến trúc sư Lê Văn Thành cùng với chúng tôi nhiều lần lên khảo sát, định hình về những kiến trúc ban đầu ở đỉnh núi này cũng có cảm nghĩ như vậy. “Đúng là một nơi đẹp tựa chốn Bồng Lai. Tại đỉnh núi này, tôi nhớ vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đã ồ lên rằng từ đây chúng tôi nhìn thấy biển Cửa Việt, thấy đường chân trời kẻ ngang từ vệt xanh thẳm Biển Đông. Và cũng chẳng khó khăn gì để nhận dạng hai tòa nhà cao nhất TP. Đông Hà là khách sạn Sài Gòn – Đông Hà và khách sạn Mường Thanh nổi lên từ phía đồng bằng.
Từ đỉnh Cu Vơ nhìn xuống là cánh rừng già, xa hơn là lòng hồ thủy điện Rào Quán, xa hơn nữa là cánh đồng điện gió Hướng Linh. Đứng đây mới cắt nghĩa được vì sao Hướng Linh là cái nôi của gió. Bởi hai bên núi chắn, chỉ lọt một khe ở giữa là xã Hướng Linh. Cái khe này thường đón gió quanh năm là vậy. Nhưng nếu tính gió từ Biển Đông thổi vào đất liền, đến Hướng Hóa qua khe gió ấy, thì đỉnh Cu Vơ như một bức bình phong ở phía Tây Quảng Trị.
Thời gian này, những đoàn khách đến với Cu Vơ bằng sự háo hức yêu cái đẹp. Họ đến cắm trại, đốt lửa qua đêm tại nơi này để sáng tinh mơ đón bình minh trong cái giá lạnh dù thời tiết đang hè hay thu. Một người bảo vệ điện gió Phong Liệu đã nói với chúng tôi rằng, lên đây ở mới biết cái giá rét và gió.
Nơi đây quanh năm đắp chăn bông. Ở đây có thể thấy được sự thay đổi thời tiết một cách chóng vánh. Mây bao quanh đỉnh đồi nhưng chỉ trong một cái trầm trồ thì mây tan biến, nhường chỗ cho nắng. Và có khi những cơn mưa nhẹ lất phất như tiết mùa xuân dưới đồng bằng chợt đến rồi chợt đi. Chỉ để lại cho lữ khách chút cảm xúc, luyến lưu như muốn dựng căn nhà đơn sơ trên triền dốc để thỏa cái sở thích ẩn dật giữa thị phi đời thường.
Giữa tiếng gió hú trên đồi cao, như trong một lần chúng tôi cùng nhà văn Hoàng Công Danh của Tạp chí Cửa Việt lên đỉnh Sa Mù, anh ấy đã thốt lên: Thèm một tiếng chuông! Đúng vậy, giữa những gì thâm nghiêm và thiêng liêng của núi rừng, đôi lúc một tiếng chuông ngân lên làm thức tỉnh lòng người, thèm hướng thiện, yêu thiên nhiên và yêu lấy muôn loài.
Rồi đây trên đỉnh đồi này, những người yêu cái đẹp, yêu du lịch, yêu quê hương sẽ gặp nhau ở lưng trời Cu Vơ, gióng một hồi chuông dài để gọi… mây về. Và qua chiếc ống nhòm để định vị những biển Cửa Việt, đồng bằng Triệu Phong, TP. Đông Hà ở xa xa…
Yên Mã Sơn
Nguồn: https://baoquangtri.vn/goi-may-tren-dinh-cu-vo-187841.htm