Xác định việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) sẽ tạo “cú hích” giúp nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân vốn của 3 chương trình MTQG trên địa bàn đều đang gặp khó khăn, vướng mắc nên chậm tiến độ.
Mô hình trồng thí điểm cây thìa canh làm dược liệu của đồng bào dân tộc thiểu số tại Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ -Ảnh: M.L
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/6/2024, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện giải ngân vốn các chương trình MTQG là 94,836 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 25,7 % kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh đã giải ngân 31,092 tỉ đồng vốn Chương trình giảm nghèo bền vững, đạt 33,7%; 43,050 tỉ đồng vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt 24,1%; 20,694 tỉ đồng vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt 21,1%.
Mặc dù tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 tăng hơn so với những năm trước nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc triển khai các chương trình MTQG ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính là do văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của các bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, cụ thể; một số nội dung còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể đối với Chương trình phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất còn vướng mắc do quỹ đất trên địa bàn các xã còn khá hạn chế. Vì vậy, các địa phương khó thực hiện công tác tạo mặt bằng, khai hoang đất sản xuất giao tập trung cho các hộ hưởng lợi.
Bên cạnh đó, nguồn gốc đất chồng lấn giữa các cá nhân và doanh nghiệp chưa được bóc tách, đất chưa được chuyển giao từ các công ty lâm nghiệp… cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của dự án nằm trong chương trình này.
Việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cần nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục vì các địa phương phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng đất rừng làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Quy định đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phù hợp với thực tiễn. Theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, chỉ hỗ trợ doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.
Quy định này khiến doanh nghiệp chủ trì chuỗi giá trị không có trụ sở đóng trên địa bàn của chương trình không nằm trong diện hỗ trợ, trong khi việc kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã làm đơn vị chủ trì liên kết còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương miền núi.
Mặt khác, chương trình chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, trong khi đó sự tham gia của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi là rất cần thiết vì họ là “đầu tàu” dẫn dắt, hỗ trợ các hộ khác trong tổ, nhóm sản xuất vươn lên. Tuy nhiên, chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tạo động lực thúc đẩy những hộ gia đình có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia vào chương trình.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đối tượng đào tạo nghề được hỗ trợ quy định chưa thống nhất, vướng mắc trong xác định người lao động có thu nhập thấp. Mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ so với thực tế hiện nay là quá thấp, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người tham gia học nghề.
Hiện nay, nhu cầu học nghề của người lao động đa dạng và không tập trung, vì vậy khó mở lớp đào tạo nghề vì có ít học viên tham gia.
Hiện bộ, ngành trung ương chưa ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với các lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất phi nông nghiệp nên địa phương khó tổ chức thực hiện. Cán bộ làm công tác giảm nghèo không có định biên và thay đổi thường xuyên làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá cũng như xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp thực hiện chương trình.
Đối với Chương trình NTM, bộ tiêu chí NTM nâng cao có nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực, thời gian để hoàn thiện. Mục tiêu xây dựng thôn, bản NTM thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều thách thức.
Hiện nay kết quả đạt được chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch, lộ trình mà các huyện đã đăng ký và được UBND tỉnh giao (mục tiêu năm 2023 có 25 thôn ở xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM nhưng đến nay mới có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn).
Vì thế, mục tiêu đặt ra của tỉnh là năm 2024 phấn đấu có 43 thôn NTM, đến năm 2025 có 72 thôn NTM rất khó thực hiện. Mặt bằng chung của các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2024 – 2025 thấp (chỉ đạt từ 7 – 14 tiêu chí), còn nhiều tiêu chí khó chưa đạt, cần nguồn lực đầu tư lớn.
Việc thực hiện các chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Quảng Trị. Vì vậy, các ngành, địa phương trong tỉnh cần nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, quyết liệt hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình để tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, ngành chuyên môn cần tập huấn, hướng dẫn những nội dung liên quan đến 3 chương trình MTQG cho cán bộ ở cơ sở, nhất là các tài liệu, văn bản trung ương mới ban hành.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung được giao; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết của từng dự án, từng nội dung để quản lý về tiến độ.
Thời gian thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 không còn nhiều, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, các địa phương cần rà soát phần việc đã làm và chưa làm, nắm bắt tồn tại, khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn cơ sở để đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Mai Lâm
Nguồn: https://baoquangtri.vn/go-kho-de-giai-ngan-kip-thoi-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-186874.htm