Chiều muộn, đứng tần ngần nơi Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, ngước nhìn dãy Trường Sơn thẫm xanh mờ xa phía đại ngàn hùng vĩ, nghe trong gió ngân vang ca lên khúc hát “Cô gái miền quê ra đi cứu nước/Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn/Bàn tay em phá đá mở đường/Gian khó phải lùi nhường em tiến bước”… Không gian chiều nghĩa trang như chùng xuống trong mùi hoa sứ quyện chặt chốn linh thiêng. Tiếc, nhớ, tự hào về những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống vì hòa bình của đất nước hôm nay.
Minh họa: N.DUY
Tôi đã đọc nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và hiểu vì sao nhật ký ghi ngày 14/7/1969 chị viết để tâm sự với mẹ mình:“…Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp tục cuộc sống hòa bình, hạnh phúc mà mọi người, trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc, cho nên có ân hận gì đâu!”.
Đặng Thùy Trâm là người khát khao hòa bình, chị đã lên đường vào Nam chiến đấu để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Và đặc biệt hơn bản thân cuộc hành trình của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm cũng đã thể hiện một khát khao hòa bình cháy bỏng bởi chính người lưu giữ cuốn nhật ký đó đã từng tham gia chiến tranh và những ký ức kinh hoàng về chiến tranh còn ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.
Gió qua miền ký ức luôn thổi mãi theo thời gian, đứng dậy từ đau thương, mất mát của chiến tranh chúng ta càng trân trọng giá trị của hòa bình. Nhiều lần đến Thành Cổ Quảng Trị và lần nào cũng thế, tôi không cầm được nước mắt khi đọc hai bức thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng và Lê Văn Huỳnh gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành Cổ.
Cỏ dưới chân Thành Cổ vẫn xanh non trong những ngày tháng Bảy. Có lẽ, sự sống được bồi đắp bằng những giá trị vô hình để hôm nay khi soi mình bên dòng Thạch Hãn lòng người rưng rưng, gửi lòng tri ân qua những ngọn nến thắp sáng dòng sông trong đêm hoa đăng mang ước vọng hòa bình.
Không riêng gì sông Thạch Hãn mà trên vùng đất địa linh nhân kiệt này cứ mỗi con sông chảy qua là ghi dấu một sự tích quá đỗi thần kỳ. Là ở đây tôi muốn nhắc dòng Hiếu Giang xuôi về Cửa Việt lưu giữ dấu chân của Huyền Trân công chúa phận gái thuyền quyên dấn thân để mở mang bờ cõi nước Đại Việt; là dòng Ô Lâu lưu dấu bao chuyện tình buồn thương khắc khoải của những người con gái đã được sinh ra, được tắm mát và đã lớn lên trên bến sông này.
Cuộc đời gấm vóc rồi cũng trở về với cát bụi, chỉ còn lại với đời những câu chuyện tình đớn đau; là con sông Bến Hải có cây cầu Hiền Lương bắc qua. Chỉ một dòng sông dài rộng mấy nhịp chèo mà dằng dặc mấy mươi năm mang nỗi đau chia cắt.
Trong quá khứ và hiện tại cũng như trong tương lai, tôi tin rằng cầu Hiền Lương, sông Bến Hải luôn sừng sững một tượng đài mang khát vọng thống nhất, chuyên chở thông điệp yêu chuộng hòa bình mà dân tộc Việt Nam gửi đến nhân loại trên toàn thế giới.
Và trong khúc nhạc khải hoàn hôm nay vẫn vọng lên niềm kiêu hãnh của những chàng trai trẻ một thời máu lửa “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?/Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…”(Thanh Thảo).
“Đúng vậy! Như chiều nay gió vẫn thổi miên man từ Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 ra sông Hiếu và thổi miết đến chân cầu Hiền Lương, là ngọn gió của ký ức, của quá khứ đang ào ạt bùng lên một khát vọng hòa bình.
An Khanh