Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đã gây bức xúc cho người dân. Do vậy, để đem lại hiệu quả cao, cần gắn việc mở rộng chăn nuôi với đảm bảo công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Một cơ sở chăn nuôi ở Khóm I, thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường -Ảnh: S.H
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có tổng đàn trâu 21.260 con, đàn bò 62.043 con, đàn lợn 233.928 con, đàn gia cầm 3.922.000 con. Có 697 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó chăn nuôi quy mô lớn có 23 trang trại; chăn nuôi quy mô vừa 209 trang trại; chăn nuôi quy mô nhỏ 465 trang trại.
Có gần 100 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp. Các mô hình chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như giống mới năng suất cao; nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu cung cấp thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng… ngày càng được áp dụng rộng rãi.
Các giải pháp áp dụng xử lý chất thải chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học đang được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh…
Tuy nhiên, theo dữ liệu kế thừa và kết quả phân tích mẫu nước thải chăn nuôi của các cơ quan chức năng tại hầu hết các trang trại chăn nuôi cho thấy các thông số đều vượt quy chuẩn quy định QCVN 62:2016/ BTNMT, QCVN 40:2011/BTNMT. Kết quả phân tích mẫu khí thải chăn nuôi tại 10 trang trại chăn nuôi cho thấy các thông số NH3 và H2S đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Nhưng mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi vẫn phát tán, gây khó chịu cho một số khu vực dân cư lân cận.
Mùi hôi phát tán trong bán kính hơn 1 km nên kể cả những trang trại đảm bảo khoảng cách theo quy định của Thông tư số 23/2019/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn bị người dân phản ánh. Chỉ trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đã có nhiều người dân phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi đến các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Cam Lộ, Hướng Hóa, Hải Lăng, Vĩnh Linh. Nguyên nhân là do nhiều trang trại chăn nuôi phát triển tự phát, không theo quy hoạch và đầu tư thiếu đồng bộ; mặc dù có biện pháp xử lý môi trường nhưng việc đầu tư công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng quy mô chăn nuôi thực tế của trang trại, nên thường bị quá tải; việc xử lý môi trường chưa có hiệu quả và chưa đảm bảo các quy định về môi trường. Số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện thủ tục môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn hạn chế.
Nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn còn xem việc thực hiện lập hồ sơ môi trường là thủ tục hành chính, ít liên quan đến thực tế… Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung thường nằm rải rác, xen kẽ và có quỹ đất nhỏ nên không đủ điều kiện, kinh phí để xây dựng các công trình xử lý chất thải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường của các trang trại chăn nuôi.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng trong hoạt động chăn nuôi chưa thường xuyên và việc xử lý vi phạm còn ít nên chưa có tính răn đe. Ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của người dân, các chủ trang trại tuy đã có nhiều chuyển biến trong thời gian qua, nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế…
Một số chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa nhận thức rõ việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nam cho rằng, các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; ảnh hưởng đến môi trường chung trong khu vực. Các trang trại này mặc dù luôn chấp hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như tuân thủ các thủ tục môi trường đã được cấp phép và quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nhưng dưới áp lực phục hồi, tái đàn gia súc, gia cầm nên có một số trang trại khi chưa hoàn thành thử nghiệm các hoạt động xử lý môi trường, đã tiến hành tái đàn dẫn đến việc chất thải, nước thải khối lượng lớn khi qua hệ thống xử lý chưa đảm bảo vấn đề về môi trường đã xả thải trực tiếp, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đe dọa đến vấn đề ô nhiễm môi trường đất.
Hiện nay, trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tồn tại việc nâng cấp từ hộ chăn nuôi cá thể, gia trại nâng lên thành trang trại, nhưng không nằm trong quy hoạch về chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi (trước đây là gia trại) nằm xen kẽ trong khu dân cư nên khoảng cách an toàn giữa trang trại với khu dân cư chưa đảm bảo; quá trình xử lý chất thải, nước thải của các trang trại chăn nuôi còn gặp khó khăn về kinh phí, phương tiện cũng như công nghệ xử lý chất thải, nước thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.
Để hạn chế, khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động để tháo gỡ khó khăn về xử lý môi trường trong chăn nuôi. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, trong đó hướng dẫn chi tiết về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hướng dẫn cho các chủ trang trại chăn nuôi về các thủ tục môi trường; hướng dẫn, phổ biến và cung cấp các thông tin liên quan đến các hệ thống xử lý môi trường cho các chủ trang trại chăn nuôi…
Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương, cụ thể là phòng tài nguyên và môi trường các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành kiểm tra, đánh giá về thực trạng của các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó có những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị để tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm của các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường; chưa hoàn thành các thủ tục môi trường đã tiến hành hoạt động chăn nuôi gây bức xúc cho người dân…
Sỹ Hoàng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/gan-phat-trien-chan-nuoi-voi-bao-ve-moi-truong-186310.htm