Do mưa nhiều đầu vụ làm nước biển dâng mạnh nên nhiều diện tích lúa đông xuân ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong bị nhiễm mặn, trong đó có hàng chục ha bị thối rễ và chết dần.
Người dân xã Triệu Vân lo lắng khi cây lúa vụ đông xuân bị nhiễm mặn chết dần – Ảnh: Đạo Thiện
Vụ đông xuân 2023 – 2024, gia đình ông Hồ Thế Thiểu, ở Thôn 9, xã Triệu Vân xuống giống 5 sào lúa, cây lúa đang phát triển tốt thì những ngày cuối tháng 2 có mưa và ảnh hưởng gió đông bắc làm nước biển dâng cao vào đồng ruộng nên nước mặn đã làm gần 4/5 sào bị thối rễ và chết dần.
Ông Thiểu chia sẻ: “Tuổi cao rồi không đi biển được nên chỉ hy vọng vào 5 sào lúa đông xuân để tạo thu nhập cho gia đình, bây giờ nước mặn làm cây lúa chết thì thất thu và khó khăn lắm”.
Hàng năm, bên cạnh cây hoa màu, xã Triệu Vân đưa vào canh tác gần 150 ha lúa vụ đông xuân, với các giống lúa có chất lượng như HT1, HN6, Khang dân…Bằng phương pháp sản xuất phù hợp nên dù chân ruộng là cát trắng nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt trên 50 tạ/ha.
Tuy nhiên trong vòng hai năm trở lại đây, cây lúa thường bị nhiễm mặn và chết khá nhiều. Riêng vụ đông xuân 2023 – 2024 do có mưa nhiều đầu vụ làm nước biển dâng cao nên cây lúa ở xã Triệu Vân bị nhiễm mặn nặng. UBND xã Triệu Vân cho biết, hiện trên địa bàn xã có gần 100 ha lúa bị nhiễm mặn, trong đó có gần 50 ha bị thối rễ và chết dần, số còn lại người dân tiếp tục tỉa dặm, nhưng tỉ lệ sống không cao.
Ông Hoàng Văn Đô, cán bộ Khuyến nông xã Triệu Vân cho biết: “Trước tình hình cây lúa chết nhiều do nhiễm mặn, UBND xã đã vận động người dân chuyển diện tích lúa bị chết sang trồng khoai lang và hoa màu các loại. Chúng tôi cũng mong muốn cấp trên có giải pháp hỗ trợ cho xã xây hệ thống đê kè ngăn mặn, giữ ngọt ở các thôn 7, 8, 9 để người dân chủ động trong việc sản xuất và từng bước nâng cao giá trị của cây trồng trên cát”.
Những mong muốn của chính quyền và người dân xã Triệu Vân là chính đáng, bởi Triệu Vân là xã có nhiều tuyến kênh đổ ra biển, rất dễ bị xâm nhập mặn vào lúc cao triều.
Đạo Thiện