Vùng núi phía Tây ở tỉnh Quảng Trị đang trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung. Điện gió không chỉ là năng lượng sạch mà còn tạo ra nguồn “năng lượng tích cực” trong tư duy đầu tư phát triển kinh tế ở một vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng cũng dồi dào tiềm năng như Quảng Trị. Hiện nay, dưới “cánh đồng” điện gió là các điểm du lịch cộng đồng được mở ra, là cây cối được tái tạo, gieo trồng, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân.
Phát triển du lịch sinh thái cạnh các công trình điện gió -Ảnh: H.N.K
Du lịch sinh thái cộng đồng
Từ TP. Đông Hà ngược đường 9 lên Hướng Hóa, chúng ta sẽ bắt gặp những “cánh đồng” điện gió đang ngày đêm mang lại nguồn điện năng hữu ích trên vùng đất đầy nắng gió này. Đây còn là “tiềm năng đặc biệt” để người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng, hình thành các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Điểm du lịch Vườn hoa chân trời của anh Nguyễn Văn Đức nằm bên cạnh Nhà máy điện gió Hướng Tân, tại thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân, đang là một trong những điểm “hút khách” ở miền Tây Quảng Trị. Anh Đức cho biết: “Khu du lịch được xây dựng trên diện tích 0,4 ha với kinh phí gần 1 tỉ đồng.
Với lợi thế nằm ngay dưới chân các tua bin điện gió, giữa chập chùng núi non xanh biếc nên vườn hoa của tôi luôn đông khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Ngoài vườn hoa đa sắc màu, chúng tôi còn xây dựng hệ thống chòi nghỉ, dịch vụ ẩm thực nên đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Lúc cao điểm có ngày khu du lịch đón tầm 5.000 lượt khách”.
Du khách đến tham quan tại những điểm du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa luôn bất ngờ trước vẻ đẹp của núi non hùng vĩ nay được tô điểm thêm nét đẹp hiện đại của những tua bin điện gió. Chị Hoàng Minh Hồng ở Phường 5, TP. Đông Hà vô cùng ngạc nhiên về sự đổi thay của vùng núi Hướng Hóa, trước sự hùng vĩ của phong cảnh thiên nhiên hữu tình khi lạc giữa Vườn hoa chân trời, chạm tay mình vào những trụ điện gió sừng sững giữa đồi cao. “Quả thật đợt trải nghiệm quá thú vị!”, chị Hồng không kìm nén được cảm xúc thốt lên như thế.
Ngoài những farmstay, homestay thì nhiều quán cà phê, địa điểm nghỉ dưỡng bên những “cánh đồng” điện gió cũng đang trở thành những điểm đến thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, từ khi các dự án điện gió trên địa bàn huyện đưa vào vận hành đã có nhiều địa điểm tham quan, du lịch được đầu tư xây dựng bài bản nên đã tạo sức hấp dẫn khách du lịch tìm đến. Đây chính là “chất liệu đặc trưng” để huyện tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Vì vậy, huyện đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tính liên kết như xây dựng tour tuyến gắn với các di tích lân cận như Sân bay Tà Cơn, Nhà đày Lao Bảo, Cứ điểm Làng Vây… để tạo thêm sự trải nghiệm đa dạng, phong phú cho du khách.
Trồng cây dong riềng dưới công trình điện gió
Với phương châm kinh doanh gắn liền phục vụ và mục tiêu phát triển hướng vào nông nghiệp – nông dân – nông thôn, gắn liền với những lợi thế của địa phương, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đang triển khai trồng cây dong riềng dưới các công trình điện gió để tạo vùng nguyên liệu chế biến, sản xuất các sản phẩm từ tinh bột dong riềng.
Cán bộ Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị hướng dẫn người dân chăm sóc cây dong riềng -Ảnh: H.N.K
Anh Lê Ngọc Sáng, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, đầu năm 2021, công ty đã hỗ trợ giống, phân bón cho 9 hộ dân triển khai trồng thử nghiệm cây dong riềng dưới chân đồi các trụ điện gió. Qua 1 năm trồng thử nghiệm, nhận thấy cây dong riềng phát triển tốt, công ty lựa chọn giống dong riềng đỏ cùng một số giống địa phương đã thu hoạch để mở rộng mô hình.
Năm 2022, công ty kết hợp với 19 hộ dân trên địa bàn các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa trồng thử nghiệm thêm 7 ha dong riềng đỏ. Quá trình tham gia mô hình, các hộ được cán bộ công ty hướng dẫn kỹ thuật từ khi xuống giống, chăm sóc và thu hoạch theo quy trình hữu cơ khép kín.
Đồng thời, công ty hỗ trợ chi phí về giống và phân bón, sau đó khấu trừ vào sản phẩm sau thu hoạch với lãi suất 0%. Sau thời gian trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy, cây dong riềng phát triển tốt, cho sản lượng củ nhiều và hàm lượng tinh bột cao. Ước tính, 1 ha cây dong riềng cho thu hoạch 40-50 tấn củ, với giá cam kết mà công ty thu mua là 2.500 đồng/kg thì người dân có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết, với chiến lược phát triển gắn với nông nghiệp mà mục tiêu cốt lõi là hỗ trợ, đồng hành, tăng thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho nông dân, thời gian tới, công ty tiếp tục trồng mở rộng khoảng 50 ha cây dong riềng tại các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa. Đồng thời, cải tạo dây chuyền chế biến tại Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa để chế biến tinh bột từ cây dong riềng. Công ty cam kết sẽ hỗ trợ người dân giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân ở vùng miền núi Quảng Trị.
Rõ ràng với các mô hình mà Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đang triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân miền núi, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Có chiến lược phát triển bền vững
Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Văn Khưn cho biết, hiện tại trên địa bàn có 3 dự án điện gió đầu tư xây dựng, bước đầu đã tạo ra những đổi thay đáng kể ở xã biên giới. Nhờ có các dự án điện gió, người dân địa phương nhận được khoảng 500 tỉ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển đồi nghề, tạo sinh kế. Trước đây sinh kế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng rừng và một số nông, lâm sản nhưng đến nay, người dân đã có thêm việc làm ở các dự án điện gió, kinh doanh dịch vụ được mở rộng để phục vụ nhu cầu của công nhân và du khách đến tham quan.
Vì thế, cần phải khẳng định rằng, việc thu hút đầu tư điện gió là chủ trương đúng vì mang lại lợi ích kinh tế lớn bởi theo tính toán, 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600- 800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, làm điện gió sử dụng quỹ đất không nhiều vì 1 MW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất, trong đó có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời. Với quỹ đất sử dụng tạm thời này có thể đưa vào trồng các loại cây mà dong riềng một ví dụ.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết dự án điện gió được đầu tư xây dựng ở các xã vùng miền núi biên giới như Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Tân Liên. Tại các địa phương này phần lớn đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sinh sống với nghề chính là trồng rừng kinh tế trên những quả đồi cao, cùng một số cây trồng hằng năm ở vùng chân và ven sườn đồi nên vào mùa mưa nguy cơ xảy ra sạt lở đất rất dễ xảy ra.
Do đó, tỉnh Quảng Trị đã có giải pháp chống sạt lở ở khu vực các dự án điện gió là đẩy nhanh việc trồng cây xanh theo Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động. Mặt khác, UBND tỉnh cũng đã giao cho các sở, ngành chuyên môn triển khai đề án đánh giá tổng thể tác động của tất cả dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, KT-XH trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển bền vững năng lượng tái tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định: “Với quan điểm nhất quán không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không chuyển đổi rừng tự nhiên để làm điện gió, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá chính xác từng dự án đầu tư. Thời gian qua, tỉnh đã kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thực hiện dự án đúng tiến độ.
Tập trung giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo quyền lợi cao nhất của người dân địa phương trên tinh thần thực hiện đúng theo pháp luật. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư mở đường giao thông công vụ, tuyển dụng lao động tại các địa phương, quan tâm hỗ trợ người dân mở rộng các mô hình kinh doanh dịch vụ, phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, giúp người dân miền núi xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Hồ Nguyên Kha