Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của trung ương, địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đổi mới ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 795 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 518,28 tỉ đồng.
Theo đó, hoạt động hỗ trợ kinh phí trực tiếp 18,78 tỉ đồng cho 116 tổ chức, cá nhân (nông nghiệp 6,5 tỉ đồng; hỗ trợ đầu tư 8 tỉ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa 1 tỉ đồng, khuyến công 2,69 tỉ đồng; khoa học và công nghệ 90 triệu đồng, du lịch 500 triệu đồng).
Hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế 499,5 tỉ đồng cho 679 tổ chức, cá nhân theo chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay từ ngày 1/1- 31/12/2024 (theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/1- 30/6/2024 (theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội); chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 (trừ vào tiền thuế đất phải nộp năm 2024, theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ); ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo chính sách thu tiền thuê đất.
Được biết, trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho 5.444 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 636,294 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ kinh phí trực tiếp 12,833 tỉ đồng; hỗ trợ qua miễn giảm thuế 623,461 tỉ đồng.
Mặc dù đạt một số kết quả quan trọng, tuy nhiên trên thực tế, một số chính sách có mức hỗ trợ chưa cao trong khi hồ sơ, thủ tục đề xuất hỗ trợ khá phức tạp nên chưa đủ hấp dẫn thu hút doanh nghiệp tham gia. Thông tin các chương trình, chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chậm. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng chưa thực sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin, quy định về các chính sách ưu đãi của trung ương, địa phương nên hiệu quả hỗ trợ chưa cao.
Thực tế này đòi hỏi các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới ban hành đến với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về quy trình, hồ sơ thủ tục, đơn vị tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đề xuất hỗ trợ để công bố, công khai cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt.
Bên cạnh đó, cần có các đợt tập huấn, hướng dẫn chi tiết về quy trình, hồ sơ thủ tục đối với từng nội dung hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư được áp dụng trên địa bàn.
Mai Lâm