Thành phố xanh quốc tế (OPCC) là chương trình do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện nhằm động viên và phổ biến các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh,thành phố trên khắp thế giới được tổ chức thí điểm ở Thụy Điển năm 2011 và lan tỏa khắp thế giới. OPCC công nhận và tôn vinh các tỉnh, thành phố ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Từ năm 2015-2016, Huế là thành phố đầu tiên được tham gia chương trình, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cùng với phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng được tham gia từ năm 2017-2018.
Hồ Khe Mây sẽ được cải tạo, xây dựng thành không gian xanh giữa lòng thành phố Đông Hà thông qua nguồn vốn của dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung. Ảnh: T.N
Với mục tiêu xây dựng thành phố Đông Hà thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu theo đúng quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 từ nguồn vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), thành phố Đông Hà đã triển khai dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư 42,36 triệu Euro, thời gian thực hiện từ năm 2024-2027.
Thành phố Đông Hà cũng như nhiều đô thị ở khu vực miền Trung nằm trong vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bão lụt, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn. Dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà được triển khai trên phạm vi 9 phường với tổng diện tích khoảng 73 km2.
Đây là khu vực đô thị cũ, mật độ dân cư lớn khiến tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và mất mỹ quan đô thị. Trên thực tế từ nhiều năm qua, vào mùa mưa lũ hói Sòng thường xuyên bị sạt lở với chiều dài gần 5.000m. Đối với khu vực bờ Tây sông Thạch Hãn và bờ Bắc sông Vĩnh Phước nhiều đoạn chưa được xây dựng kè chống xói lở bờ sông, hằng năm cứ đến mùa mưa lũ, bờ sông bị xói lở ăn sâu vào đất làm mất diện tích đất sản xuất của người dân.
Ngoài ra, hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ và hồ Khe Mây, hiện nay kênh thoát nước nằm trong lòng đô thị, nước thải, rác thải đổ vào lòng kênh gây ô nhiễm môi trường; mặt khác có những vị trí xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai làm thu nhỏ lòng kênh, ngăn cản dòng chảy, gây ngập úng cục bộ.
Từ thực tế đó, dự án triển khai với 2 hợp phần đầu tư xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực gồm các hạng mục: xây dựng tuyến kè và kết hợp nạo vét dòng chảy quanh hói Sòng dài khoảng 4.690 m; kè bờ Tây sông Thạch Hãn và bờ Bắc sông Vĩnh Phước gồm 5 đoạn tổng chiều dài khoảng 7.018 m; xây dựng tuyến kè kết hợp nạo vét dòng chảy từ hạ lưu tràn xã lũ hồ Trung Chỉ đến cánh đồng phường Đông Lương và hệ thống công trình trên tuyến kè.
Cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây; nâng cấp hạ tầng bờ Nam sông Hiếu; nâng cấp, cải tạo hạ tầng các khu vực người dân có mức thu nhập thấp; hỗ trợ quy hoạch phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý lũ lụt; hỗ trợ chương trình thành phố thí điểm thực hiện kế hoạch phát triển đô thị, tăng trưởng xanh ở Việt Nam; hỗ trợ các hoạt động kinh tế địa phương và tạo việc làm xanh.
Một khi kè hói Sòng được xây dựng sẽ khơi thông và mở rộng dòng chảy, điều hòa lượng nước, chống sạt lở, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đô thị, đảm bảo nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, cải thiện điều kiện môi trường sống, giữ được đất đai canh tác và ổn định đời sống của Nhân dân. Việc xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Hiếu góp phần chống ngập lụt các khu dân cư sống dọc bờ sông, chống xâm nhập mặn, hạn chế sạt lở, giữ ổn định bờ sông, tránh thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân. Việc chỉnh trang, cải tạo hệ thống mương hạ lưu hồ Trung Chỉ và Khe Mây đi trong thành phố sẽ cải thiện bộ mặt đô thị, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra còn đầu tư xây dựng các hồ điều hòa tạo không gian xanh, làm giảm nhiệt độ trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, dự án đầu tư các công trình nâng cấp hạ tầng Nam sông Hiếu và hạ tầng giao thông, cấp thoát nước các khu dân cư có thu nhập thấp sẽ tạo ra không gian có cảnh quan hiện đại, đồng thời quản lý được quỹ đất, đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực, xây dựng khu dân cư theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà góp phần giải quyết cơ bản những thách thức về chống ngập úng, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn của thành phố Đông Hà trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường.
Bên cạnh đó, các công trình được xây dựng của dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo tăng trưởng xanh, duy trì đa dạng sinh học và ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo ra không gian, cảnh quan đô thị hiện đại, tạo việc làm xanh, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân trên địa bàn; đặc biệt là tham gia tích cực vào chương trình thành phố xanh quốc tế của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên.
Tân Nguyên
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dong-ha-tich-cuc-tham-gia-chuong-trinh-thanh-pho-xanh-quoc-te-190323.htm