Xác định thương mại, dịch vụ, du lịch là thế mạnh của địa phương, những năm qua, thành phố Đông Hà đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển ngang tầm với vị trí đô thị trung tâm, trở thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch-Nhịp cầu Xuyên Á-Quảng Trị năm 2024 diễn ra tại thành phố Đông Hà – Ảnh: H.T
Nét nổi bật trong phát triển thương mại-dịch vụ đó là thành phố đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng và hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn (gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…), trong đó ưu tiên quỹ đất và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn có quy mô lớn. Nhiều công trình dịch vụ, thương mại, tài chính ngân hàng với thiết kế hiện đại như Siêu thị Coop.Mart, Khách sạn Mường Thanh Quảng Trị, Khách sạn Sài Gòn-Đông Hà, tòa nhà Viettel, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT Quảng Trị…
Ngoài ra, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh ở các trục phố chính được cải tạo, đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, hình thành thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi, chất lượng cao. Trên địa bàn thành phố cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống máy bán hàng tự động tại một số địa điểm trung tâm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm trên địa bàn.
Đặc biệt, thời gian qua, Đông Hà cũng là một trong những địa điểm thường xuyên được lựa chọn để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch của tỉnh và cả nước như Hội chợ Thương mại và Du lịch – Nhịp cầu Xuyên Á – Quảng Trị năm 2024 và Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Hội nghị ngành Công thương; Hội nghị Khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại Quảng Trị năm 2024 cùng nhiều hội chợ triển lãm hàng hóa khác của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường cơ hội giao lưu, tìm kiếm đối tác, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, thành phố đã được UBND tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng tuyến phố đi bộ, ẩm thực tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh nhằm tạo điểm nhấn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm.
Tổ hợp trung tâm thương mại và nhà phố liền kề Vincom Shophouse Royal Park Quảng Trị do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển tại thành phố Đông Hà – Ảnh: H.T
Bên cạnh việc chú trọng đến hoạt động kinh doanh thương mại, thành phố Đông Hà cũng ưu tiên quy hoạch, bố trí dành quỹ đất nhằm định hướng và tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành dịch vụ có tiềm năng và lợi thế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và hệ thống khách sạn, nhà hàng với quy mô đa dạng, hiện đại, tiện nghi.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 17 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; 57 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao và 45 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn…cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách khi đến với thành phố Đông Hà nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Ngoài ra, khu tổ hợp trung tâm thương mại và nhà phố liền kề Vincom Shophouse Royal Park Quảng Trị do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại thành phố Đông Hà với quy mô 13,2 ha gồm trung tâm thương mại và 523 căn shophouse, nhà liền kề cùng hệ thống tiện ích, dịch vụ đồng bộ sẽ là điểm dân cư hấp dẫn nhất của khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có gần 500 cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ ăn uống bình dân và cao cấp phục vụ người dân và du khách. Nhờ vậy, doanh thu các ngành dịch vụ của thành phố có sự tăng trưởng nhanh. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành dịch vụ của thành phố đạt 11,769 tỉ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2022, chiếm 64,4% trong cơ cấu tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn.
Tuy lĩnh vực thương mại-dịch vụ thời gian qua đã có nhiều điểm sáng, nhưng hiện nay thị trường hàng hóa và quy mô kinh doanh phát triển thương mại-dịch vụ trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thương mại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại còn hạn hẹp; nhân lực quản lý và kinh doanh có chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường…
Một góc thành phố Đông Hà – Ảnh: H.T
Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đông Hà Nguyễn Thị Thùy Nga cho biết: “Nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, xứng tầm đô thị trung tâm, thời gian tới, thành phố Đông Hà sẽ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư vào các trung tâm mua sắm, các khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái khu vực hồ Khe Mây, hồ Mếc, cụm dịch vụ dọc bờ kè sông Thạch Hãn, sông Hiếu…
Phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh hoàn thành các thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm triển khai dự án Tổ hợp thương mại chợ Đông Hà ven sông Hiếu. Đặc biệt, duy trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh thương mại, ứng xử có văn hóa, đạo đức trong kinh doanh, kết hợp hài hòa giữa phát triển dịch vụ và du lịch, tạo điểm nhấn cho thành phố”.
Bên cạnh đó, thành phố Đông Hà cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ.
Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, tiếp cận và áp dụng các phần mềm, tiện ích như truy xuất nguồn hàng, QR Code, thanh toán không dùng tiền mặt…để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, năng lực quản trị, kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa.
Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn phát triển các loại hình thương mại-dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, xứng tầm với vị thế của đô thị loại II, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh.
Hà Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dong-ha-khai-thac-loi-the-de-phat-trien-toan-dien-linh-vuc-thuong-mai-dich-vu-188941.htm