HỒ SỸ TRUNG, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà
Từ khi thành phố Đông Hà được thành lập vào tháng 8/2009 đến nay, đầu tư phát triển toàn xã hội nói chung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng luôn được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ vậy, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh lỵ ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, tạo nền tảng cơ bản để Đông Hà trở thành đô thị loại II.
Theo số liệu thống kê tổng mức đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2010-2015 là 5.695 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 16.207 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2024 là 28.241 tỉ đồng.
Kết quả nổi bật trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị của Đông Hà thời gian qua là hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ với nhiều hạng mục quy mô, từng bước tạo lập hệ thống đường giao thông liên hoàn, kết nối các khu vực nội, ngoại thành phục vụ phát triển KT – XH, mở rộng không gian phát triển đô thị như đường Lê Thánh Tông, Trần Bình Trọng, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú, Lê Lợi nối dài, Hoàng Diệu, Bà Triệu, Thanh Niên, Phường 2 đi Đông Lễ – Đông Lương, Tân Sở, Cồn Cỏ, Thạch Hãn, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, cầu dây văng sông Hiếu, cầu Vĩnh Phước, cầu Đại Lộc và đường nối Quốc lộ 1, cầu sông Hiếu, đập ngăn mặn sông Hiếu…
Nhiều tuyến phố nội thị, đường bê tông ở các khu dân cư nhỏ hẹp, xuống cấp được đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện vỉa hè. Cùng với đó chú trọng khắc phục bất cập, tạo thuận lợi và an toàn tại các nút giao thông trọng điểm, “điểm đen” giao thông trên địa bàn.
Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, đã có trên 30 nút giao thông trọng điểm, “điểm đen” giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng mặt đường, lắp đặt biển báo, đèn tín hiện, tạo gờ giảm tốc, sơn kẻ vạch giao thông như nút giao Quốc lộ1-Trần Hưng Đạo, đường Bùi Thị Xuân; nút giao Hàm Nghi -Nguyễn Trãi, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết; nút giao Quốc lộ1- Hoàng Diệu, đường Thanh Niên…đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Công viên Fidel thành phố Đông Hà – Ảnh: HUY NAM
Các công trình, dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ như hệ thống thu gom, xử lý nước thải thành phố Đông Hà gồm những hạng mục chính là các tuyến cống bao, cống áp lực thu gom nước thải; xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 5.000 m3 /ngày đêm; nạo vét và kè 3 hồ điều hòa gồm hồ Nguyễn Huệ, Khe Sắn và Đại An; kè sông Con từ cầu Khóa Bảo đến cầu sông Hiếu…
Cùng với đó là hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí ở nút giao thông, tuyến đường trung tâm và cây xanh, Công viên Fidel, Công viên Lê Duẩn, công viên mini được quan tâm đầu tư đã giải quyết những bất cập về cơ sở hạ tầng đô thị, hạn chế ngập úng và từng bước cải thiện môi trường đô thị cũng như tạo ra diện mạo mới cho thành phố.
Một điểm nhấn quan trọng trong đầu tư phát triển hạ tầng của Đông Hà thời gian qua là đã mở mang nhiều khu đô thị, khu dân cư mới ở khu vực trung tâm và vùng ven thành phố như Khu đô thị Nam Đông Hà, Bắc sông Hiếu, Thành CổKhóa Bảo, Công viên Fidel; các Khu dân cư đường Thanh Niên, Hàn Thuyên, Cồn Cỏ, Đặng Dung, Lê Thánh Tông-Trường Chinh…
Nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn được đầu tư như Nhà Văn hóa trung tâm thành phố, Trung tâm Chính trị thành phố, Trung tâm hành chính thành phố. Hệ thống trường học, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, thể thao…được đầu tư mạnh mẽ đáp ứng tốt các mục tiêu phát triển cũng như nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, công trình nhà ở của Nhân dân cũng được đầu tư xây dựng quy mô, bài bản, đảm bảo quy hoạch, kiến trúc và không gian phát triển của thành phố, đến nay nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt trên 93% so với tổng quỹ nhà ở.
Tạo nên sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng của Đông Hà không thể không nhắc đến sự đồng thuận, chung tay của người dân trong xây dựng tuyến phố, cộng đồng dân cư an toàn, văn minh, đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tạo dựng hạ tầng phục vụ kinh doanh, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố.
Thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, Đông Hà tập trung đầu tư để phát triển lĩnh vực này. Trong đó, coi trọng xây dựng và phát triển hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu từ thành phố đến các phường để xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ, kết nối đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; triển khai có hiệu quả ứng dụng “một cửa điện tử” tại UBND thành phố và UBND các phường, nâng cao tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Duy trì hoạt động hiệu quả Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Đông Hà, qua đó giám sát, quản lý và tiếp nhận thông tin của người dân để đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Từ năm 2022 đến nay, UBND thành phố đã bố trí nguồn lực để đầu tư 7 dự án thành phần thuộc Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, gồm: xây dựng hệ thống an toàn bảo mật, an toàn thông tin; Giải pháp lắng nghe công dân mạng xã hội; Hạ tầng trang thiết bị phục vụ xây dựng ĐTTM; Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý và điều khiển chiếu sáng thông minh; Hệ thống đo mực nước tự động để giám sát và cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng…Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã phủ sóng 100% mạng 3G, 4G; internet cáp quang đã kéo đến 100% các địa bàn dân cư, không có “vùng lõm” sóng di động.
Ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 813/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Đông Hà là đô thị loại II đã phản ánh đầy đủ sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng với quyết tâm xây dựng đô thị trung tâm tỉnh lỵ ngày càng văn minh, phát triển của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố Đông Hà.
Do đó, xây dựng thành phố Đông Hà phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, trở thành đô thị động lực trên Hành lang kinh tế Đông-Tây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đông Hà nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Trên cơ sở những kết quả đạt được về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thành phố sẽ tiếp tục khai thác, huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại các công trình hạ tầng giao thông, kỹ thuật, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng công nghiệp, thương mại-dịch vụ; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư; xây dựng thêm các khu dân cư, khu đô thị mới…
Đây là những công việc quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và đồng thuận, chung tay của người dân thành phố Đông Hà. Để triển khai hiệu quả, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số PCI.
Rà soát, đơn giản các quy trình xử lý các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công có chất lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả.
Trong đó, tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, thực hiện tốt vai trò là “vốn mồi” để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển trên địa bàn. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH và các dự án sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, thành phố tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng…
Để cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thành phố Đông Hà rất cần sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành về cơ chế, chính sách chung cũng như cơ chế hỗ trợ đặc thù để thành phố có nguồn lực đầu tư phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dong-ha-huy-dong-hieu-qua-cac-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-ha-tang-do-thi-188963.htm