Tỉnh Quảng Trị có khoảng 13% đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động là các thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được các địa phương, các đơn vị quan tâm triển khai hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Gia đình ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông trò chuyện với anh Hồ Văn Hời đang lao động tại Nhật Bản qua điện thoại -Ảnh: Đ.V
Em trai của anh Hồ Văn Dong ở thôn Kỳ Neh, xã A Ngo, huyện Đakrông là Hồ Văn Lươm (25 tuổi) đã mạnh dạn rời bản làng để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) vào tháng 9/2022. Sau hơn một năm làm việc ở Nhật Bản, anh Lươm không những trả hết nợ đối với ngân hàng, mà còn hỗ trợ gia đình xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Nhờ đó, gia đình anh Hồ Văn Lươm đã thoát khỏi hộ nghèo và có điều kiện vươn lên trong thời gian tới.
Anh Hồ Văn Dong cho biết: “Ban đầu gia đình không muốn cho Lươm đi làm ăn xa vì tâm lý vẫn còn e ngại và chưa biết em trai sẽ thích nghi công việc ở nước ngoài như thế nào. Nhưng qua tìm hiểu kỹ càng các thông tin XKLĐ, thông tin từ bạn bè đang làm việc ở Nhật Bản, em Lươm đã thuyết phục gia đình và quyết tâm sang đó làm việc để phát triển kinh tế cho gia đình.
Em trai nói rằng ở nhà cũng đi làm, sang đó cũng đi làm nhưng bên đó thu nhập tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, XKLĐ sẽ giúp em trai tôi có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm, mở mang kiến thức, giao lưu văn hóa với nước bạn. Sau khi hiểu được, gia đình chúng tôi đã quyết định ủng hộ em Lươm đi XKLĐ”.
Cũng làm nghề xây dựng ở Nhật Bản từ năm 2022, anh Hồ Văn Hời ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết, với mức lương trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng mà anh đang nhận được, sau khi trừ các chi phí thì đây là nguồn thu nhập ổn định giúp anh cải thiện cuộc sống gia đình.
Qua kết nối điện thoại về gia đình sau giờ làm việc, anh Hời cho biết: “So với lúc làm việc ở Việt Nam thì nguồn thu nhập của tôi hiện tại là rất đáng mơ ước. Hơn nữa, khi sang đây làm việc, tôi có thể học hỏi những kinh nghiệm tiến bộ để sau khi hết hợp đồng về mở mang nghề nghiệp, việc làm để phát triển kinh tế tại địa phương”.
Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo Lê Thị Huỳnh thông tin, thời gian qua công tác XKLĐ đã được địa phương đẩy mạnh và xem đây là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, hiệu quả.
Bà Huỳnh cho biết thêm: “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với các cháu học xong lớp 12 để định hướng cho các cháu đi XKLĐ. Các cháu được đi XKLĐ sẽ có cơ hội có thu nhập cao, ổn định để giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Chúng tôi cho rằng đây cũng là giải pháp đúng đắn nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thanh niên tại địa phương”.
Xác định đưa thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở tỉnh Quảng Trị. Do đó, ngành LĐ,TB&XH đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các địa phương, nhất là các địa phương miền núi và các đơn vị tuyển dụng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Theo thống kê, đến nay tỉnh Quảng Trị có khoảng 150 thanh niên dân tộc thiểu số đã được vay tổng số vốn gần 10 tỉ đồng để đi XKLĐ, với các ngành nghề như xây dựng, thu hoạch nông sản, sản xuất hàng thủ công… chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phan Văn Pháp cho biết: đa số các thanh niên tiếp cận được nguồn vốn đi XKLĐ ở các nước đều đã chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt các quy định hợp đồng vay vốn. Đồng thời, họ cũng đã chuyển tiền về cho gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay. Đặc biệt, sau khi hoàn thành việc trả nợ, người lao động về nước sẽ có nguồn vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững ngay tại địa phương.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế ngay tại địa phương, việc đẩy mạnh XKLĐ đã và đang giúp rất nhiều thanh niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện. Đây cũng là một trong những hướng đi hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững tại khu vực miền núi.
Đồng thời, việc XKLĐ sang làm việc nước ngoài phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ hội cho người lao động trang bị thêm kỹ năng, tác phong tốt để tiếp tục đóng góp trong phát triển kinh tế gia đình và bổ sung cho tỉnh nguồn lao động trình độ cao.
Hiếu Giang