Những vườn cà phê đặc sản dưới tán cây rợp bóng ở Hướng Phùng giờ đây không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là điểm đến của du khách gần xa. Để tạo ra những vườn cà phê này là tâm huyết và mồ hôi, công sức của bao người. Chính những nhân tố điển hình này đã góp phần thay đổi dần cách nghĩ, cách làm trên những rẫy cà phê truyền thống, từng bước tạo ra sản phẩm đặc sản cho quê hương.
Khách du lịch tham quan vườn cà phê rợp bóng dưới tán cây gáo vàng của bà Trần Mai Hương – Ảnh: L.T
Những người tiên phong
Khi chúng tôi tìm hiểu về cà phê đặc sản ở Hướng Hóa, nhiều người đều nhắc đến bà Trần Mai Hương (tên thường gọi Madam Hương) ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng. Hiện nay, vườn cà phê rợp bóng dưới tán cây gáo vàng của bà Hương đang là điểm đến thu hút khách du lịch gần xa. Đây cũng là nơi cho ra đời sản phẩm cà phê đặc sản được vinh danh top 1 Cà phê nhân xanh Đông Nam Á 2024.
Hằng nằm, đến tháng 12, khi hầu hết các vườn cà phê chè tại xã Hướng Phùng đã kết thúc niên vụ thu hái thì nhân công tại vườn cà phê của bà Hương vẫn miệt mài hái quả. Cà phê cứ chín lai rai, tuy mất nhiều công sức thu hái nhưng thay vì làm mọi cách để có năng suất cao, quả chín đồng loạt thì bà Hương vẫn chọn cách canh tác này. Bà cho biết, đây là cách thu được những quả cà phê chất lượng nhất.
“Cây gáo vàng tạo ra thảm thực vật dày giúp tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất. Nhờ độ che phủ của rừng cây gáo vàng nên quả cà phê trải qua quá trình phát triển dài, khi chín có hương vị thơm ngon, đậm đà, rất đặc trưng”. Nhờ vậy, vụ 2022 – 2023, bà đã thử nghiệm thành công mẻ cà phê Arabica đặc sản đầu tiên bằng phương pháp lên men yếm khí nguyên trái. Đến mùa vụ 2023 – 2024, bà ổn định khâu chế biến và có được những lô cà phê chất lượng nhất. Sản phẩm được Viện Chất lượng cà phê thế giới công nhận là cà phê đặc sản với 84,75 điểm.
Một vườn cà phê nông – lâm kết hợp của người dân xã Hướng Phùng – Ảnh: L.T
Tháng 9/2024, sản phẩm cà phê Liberica của bà Hương được Hiệp hội Cà phê Đông Nam Á vinh danh là sản phẩm top 1 tại cuộc thi Cà phê nhân xanh Đông Nam Á 2024 tổ chức tại Thái Lan. “Khởi thủy của cây cà phê Arabica vốn là loại cây bụi nhỏ, sinh trưởng tự nhiên dưới các cánh rừng già ở châu Phi. Việc trồng cây cà phê dưới tán rừng đã đưa chúng về đúng với bản chất nguyên thủy. Đó là phiên bản tốt nhất của nó, tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng nhất để chế biến thành những sản phẩm cà phê mang đặc trưng”, bà Hương chia sẻ.
Khái niệm cà phê đặc sản được hiểu là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt. Loại cà phê này khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn, quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). |
Một số người dân ở Hướng Phùng cũng đã làm quen với việc trồng cây cà phê dưới tán rừng, trong đó có ông Lê Đức Bình ở thôn Xa Ry. Vài năm trở lại đây, khi cây tiêu thoái hóa, ông đổi hướng bắt đầu trồng xen cà phê mít, sến, lát hoa giữa cà phê chè. Theo ông, khái niệm trồng cà phê nông – lâm kết hợp mới có sau này, còn trước đó ông và một số người trong vùng đã tự phát làm để tạo cây che bóng cho cà phê do Quảng Trị là vùng nắng nóng, có cây che bóng sẽ tạo độ ẩm và bảo vệ đất đai (vì ở đây địa hình đồi dốc, rất dễ xói lở). Từ kinh nghiệm sản xuất cho thấy, vườn có cây che bóng thì hương vị, chất lượng hậu vị cà phê rất ngon, khác hẳn so với vườn canh tác cà phê độc canh.
Trên 570 hộ dân đăng ký mô hình
Ông Nguyễn An, quản lý Dự án Sản xuất cà phê sinh thái và Cải thiện rừng tự nhiên, WWF-Việt Nam tại Quảng Trị cho biết, trên cả nước, các vùng trồng cà phê hầu như chưa có bộ chuẩn về trồng cà phê nông – lâm kết hợp được cơ quan nhà nước công nhận. Riêng Quảng Trị, tháng 8/2024, UBND tỉnh đã ban hành quy trình kỹ thuật canh tác cà phê chè (arabica) nông – lâm kết hợp áp dụng trên địa bàn. Đây là quy trình trồng xen cà phê với cây thân gỗ hay cây ăn quả. Từ quy trình kỹ thuật này, ngành nông nghiệp tỉnh đã biên soạn quyển sổ tay bằng hình ảnh, biểu đồ minh họa giúp người dân dễ hiểu hơn.
Thực tế chưa có một mô hình hoàn chỉnh nào để có thể học tập làm theo. Vì thế việc ban hành bộ quy trình kỹ thuật canh tác cà phê chè nông – lâm kết hợp trên thể hiện quyết tâm cao của tỉnh đối với chiến lược phát triển cây cà phê. Hiện nay, ngành nông nghiệp và các dự án hỗ trợ nông dân Hướng Hóa trồng cà phê (trong đó có WWF-Việt Nam tại Quảng Trị) đang vừa làm rút kinh nghiệm.
Ví dụ như từ vườn cà phê bà Hương, có một kinh nghiệm được rút ra đó là mật độ trồng cây gáo vàng như thế nào để không ảnh hưởng ánh sáng của cà phê ở bên dưới. Hoặc ở một số vườn có những loài cây khi trồng xen vào sẽ cạnh tranh về dinh dưỡng với cây cà phê.
Vì thế, việc chọn loại cây lâm nghiệp hoặc cây ăn quả gì để trồng chung với cà phê; khoảng cách, mật độ trồng như thế nào để đảm bảo trong quá trình phát triển các loài cây không cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng với cây cà phê là vấn đề đang dần được rút ra. “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu cũng trên mảnh vườn đó nhưng giúp người dân có thể tạo ra giá trị gia tăng thay vì nghĩ đến chuyện mở rộng thêm diện tích canh tác (mua thêm đất hay xâm lấn vào rừng tự nhiên)”, ông An cho hay.
Ông Lê Đức Bình, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê đặc sản Sary giới thiệu về sản phẩm của hợp tác xã -Ảnh: L.T
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, về mặt kỹ thuật, trồng cà phê nông – lâm kết hợp là có thể quy hoạch lại vườn, bỏ bớt những cây già cỗi, sâu bệnh… Tuy nhiên, để người dân trồng tự phát sẽ xảy ra trường hợp người trồng dày, người trồng thưa, không có hàng có lối, không biết nên trồng loại cây lâm nghiệp hay cây ăn quả gì cho phù hợp.
Từ khi có quy trình kỹ thuật của tỉnh và tác động của một số dự án hỗ trợ, người dân đăng ký tham gia ngày càng nhiều. Ví dụ năm 2024 xã Hướng Phùng có 374 hộ đăng ký trồng xen cây ăn quả và cây lâm nghiệp trong vườn cà phê; năm 2025 có khoảng 200 hộ đăng ký tham gia.
Đặc biệt, năm 2024, trung tâm mở 11 lớp tập huấn về trồng cà phê nông – lâm kết hợp, trong đó có 1 lớp cán bộ nòng cốt, nông dân giỏi, đại diện các HTX để chuyển giao cho người dân địa phương. Hiện nay, sở đã thành lập 1 nhóm gồm 7 cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho dự án về trồng cà phê nông – lâm kết hợp, qua đó tiếp tục khảo sát, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân.
Tạo thương hiệu qua các cuộc thi
Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Hướng Phùng, diện tích cà phê của địa phương là 2.000 ha, với hơn 1.200 hộ trực tiếp sản xuất, bình quân hơn 1,5 ha/hộ. Năng suất dao động khoảng 8,5 – 9 tấn quả tươi/ha/năm. Cây cà phê được phân bố rộng khắp 13/13 thôn trên địa bàn xã.
Bên cạnh thôn Chênh Vênh là thôn được Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lựa chọn là vùng trồng cà phê có thể tạo ra cà phê đặc sản thì thực tế sản xuất cho thấy, hầu hết các thôn trong xã đều đảm bảo điều kiện để quy hoạch phát triển cà phê chất lượng cao. Trên địa bàn hiện có hơn 30 công ty, doanh nghiệp, HTX và đại lý thu gom, chế biến và sản xuất cà phê (trong đó có một số công ty, HTX và hộ gia đình sản xuất, chế biến cà phê đặc sản, hữu cơ).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương, người dân đã dần chuyển đổi từ canh tác cà phê truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản. Điểm thuận lợi là thời gian qua trung ương, địa phương đã ban hành một số cơ chế, chính sách trong việc phát triển cà phê đặc sản. Trên địa bàn đã có một số doanh nghiệp, tổ chức có những chính sách khuyến khích người dân trong việc canh tác cà phê.
Cùng với đó, giá cà phê tăng, một số doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nên người dân an tâm sản xuất. Đặc biệt, thời gian gần đây có một số sản phẩm cà phê của địa phương tham gia và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi cà phê đặc sản trong nước và quốc tế, tạo tiếng vang khiến người tiêu dùng chú ý, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm này.
Ví dụ như năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Cà phê đặc sản Sary ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng ra đời do ông Lê Đức Bình làm giám đốc. HTX hiện có 20 thành viên (trong đó có 17 thành viên là người dân tộc thiểu số) canh tác hơn 40 ha cà phê. Năm 2024, HTX phối hợp với Công ty Tống Phúc Lâm (ở TP. Hồ Chí Minh) đưa sản phẩm tham gia Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được bình chọn là sản phẩm cà phê được yêu thích nhất.
Từ đó, đã có thêm một lượng khách hàng biết đến sản phẩm của HTX. Ông Bình có 3 ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ. Những năm gần đây, ông ủ quả chuối chín lên men kết hợp phân chuồng, phân vi sinh tưới cho cây cà phê. Mỗi năm sản lượng vườn đạt khoảng 36 tấn tươi, trong đó ông lựa khoảng 10 tấn quả tươi đạt tiêu chuẩn chế biến cà phê đặc sản (khoảng 2,5 tấn), còn lại bán cà phê xô ra thị trường.
“Làm cà phê đặc sản phải kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn quả để hái, rửa sạch, làm ráo và ủ lên men tự nhiên… rất kỳ công nhưng đổi lại giá cà phê đặc sản cao gấp 3 lần so với cà phê xô nên ai cũng phấn khởi. Mong ước của tôi khi thành lập HTX là cùng nhau sản xuất để có số lượng lớn cà phê đạt chuẩn bán ra thị trường”, ông Bình chia sẻ.
Lâm Thanh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/doi-thay-tu-nhung-ray-ca-phe-o-huong-phung-192882.htm