Sức mua tăng mạnh vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán là cơ hội để đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp (DN) chủ động tăng cường nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, mở rộng các kênh tiêu thụ và tung ra chương trình khuyến mãi đón “sóng tiêu dùng” dịp cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tâm lý và hành vi tiêu dùng của người dân đang có sự thay đổi nhất định thì các DN cũng cần phải nghiên cứu kỹ thị trường, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kích cầu mua sắm để tăng doanh thu, lợi nhuận.
Nhân viên siêu thị Co.opmart Đông Hà niêm yết giá bán cho các mặt hàng bánh, kẹo – Ảnh: H.T
Thời điểm này, dạo quanh các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh có thể thấy hàng loạt chương trình, sản phẩm giảm giá, khuyến mãi đang được triển khai. Điều đáng mừng là hàng Việt Nam chất lượng cao, các sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đang chiếm ưu thế trên kệ hàng Tết.
Dự báo sức mua tăng cao trong dịp cuối năm nên từ quý IV, nhiều DN, cửa hàng kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ từ 20 – 30% so với nhiều tháng trước, đồng thời liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, đồ gỗ nội thất…
Tại siêu thị Co.op Mart Đông Hà, với tiêu chí sản phẩm phong phú nhưng giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, đơn vị đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Bà Hồ Thị Thanh Duyên, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Đông Hà, cho biết: “Như thường lệ, ngay từ giữa năm, siêu thị Co.opmart Đông Hà phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu để chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết. Cụ thể, siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng Tết và dự kiến tăng từ 2 -3 lần so với mức bình thường đối với các mặt hàng thuộc các ngành hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng, may mặc…, tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các mặt hàng tham gia bình ổn giá như: gạo, mỳ tôm, bánh, kẹo, mứt, thịt heo, thịt bò, rau, củ, quả… siêu thị cũng đã sẵn sàng kế hoạch dự trữ với tổng kinh phí 72 tỉ đồng. Tất cả hàng hóa đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh và được Co.opmart Đông Hà niêm yết giá rõ ràng, bán đúng theo giá niêm yết. Đặc biệt, đối với những mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường được Co.opmart Đông Hà bố trí sắp đặt ở vị trí thuận tiện nhất kèm theo bảng thông tin để khách hàng dễ nhận biết”.
Tại cửa hàng nông sản, đặc sản Quảng Trị mang tên Gùi quê xuống phố của Công ty TNHH MTV Bảo An Khôi, ở TP. Đông Hà, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa mua sắm lớn nhất trong năm cũng đang được gấp rút triển khai. Ngoài các mặt hàng tươi sống, các loại rau, củ, quả, đặc sản vùng cao Quảng Trị như: cá suối, tôm, ếch, măng rừng, ớt bản, nếp than…, cửa hàng còn dành riêng 1 gian để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm của 10 chủ thể OCOP đã được chứng nhận trong tỉnh với đa dạng các mặt hàng như tinh dầu, hồ tiêu, cà phê, nước mắm, dầu gội, cam K4, gạo, trà thảo dược… DN nỗ lực phối hợp với các hợp tác xã, nhà cung cấp duy trì giá ổn định, thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu trong các tháng cuối năm và dịp cận tết Nguyên đán. Anh Trương Văn Hoài, Chủ cửa hàng Gùi quê xuống phố, cho biết: “Hiện nay, DN chúng tôi đã ký cam kết với các chủ thể là hợp tác xã, các nhà sản xuất về việc cung cấp các loại nông sản sạch, các sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, làm quà tặng dịp năm mới của khách hàng. DN cũng đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm thông qua phương thức truyền thống và thương mại điện tử. Càng cận kề những tháng cuối năm và năm mới 2024, chúng tôi càng kỳ vọng vào “sức bật” của thị trường và mong muốn các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để đảm bảo chất lượng hàng hóa, hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng và DN”.
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11/2023 ước đạt 2.423,66 tỉ đồng, giảm 0,65% so với tháng trước, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2023, hoạt động thương mại và dịch vụ khá sôi động do kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, nhất là hoạt động lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 28.013,49 tỉ đồng, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm trước (11 tháng năm 2022 tăng 13,5%) và đạt 87,5% so với kế hoạch năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, 3,23% so với tháng 12 năm trước và 3,08% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước (11 tháng năm 2022 tăng 3,86%).
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2024, Sở Công thương sẽ phối hợp triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời chủ trì công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh. Tuyên truyền, khuyến khích DN tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với chương trình, hội chợ khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Triển khai hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa với các tỉnh, thành lân cận và DN các tỉnh nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, tìm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh; tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn…
Hà Trang